Chống thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội

06/10/2017 09:06

Với khả năng đưa tin nhanh chóng, rộng khắp, các thế lực thù địch tập trung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, cương lĩnh, nền tảng tư tưởng của Đảng...


Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã, đang và sẽ tiếp tục sử dụng mạng xã hội như một công cụ hữu hiệu nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để tiến hành các hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta. Với khả năng đưa tin nhanh chóng, rộng khắp, các thế lực thù địch tập trung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, cương lĩnh, nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là về vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”; kích động tư tưởng thực dụng, làm mờ các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống, làm cho người sử dụng internet có góc nhìn sai lệch về những gì đang diễn ra. Từ đó, tạo sự hoài nghi, giảm sút niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Về hình thức, chúng thành lập các nhóm, hội, fanpage… làm "cơ quan ngôn luận". Chúng vận động người dân, dụ dỗ các đối tượng từng bị phạt tù, các nhà báo, nhà văn, đảng viên thoái hóa biến chất, cán bộ vi phạm bị kỷ luật để viết bài tung lên mạng xã hội; phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung phản động. Chúng triệt để lợi dụng các trang thông tin điện tử, blog cá nhân làm nóng các vấn đề của đất nước như tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí... từ đó đổi trắng thay đen, tạo bức xúc, nghi ngờ, bất bình trong công chúng, kích động gây rối, chống đối chính quyền địa phương.

Để ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động chống phá, các cơ quan chức năng cần thường xuyên theo dõi trang thông tin cá nhân của các phần tử phản động trên mạng xã hội để nắm chắc tình hình, ngăn chặn kịp thời những "điểm nóng", những thông tin xấu; có những bài viết đấu tranh, phản bác lại những thông tin bịa đặt, sai trái, vạch trần thủ đoạn, âm mưu thâm độc của các đối tượng lợi dụng mạng xã hội chống Đảng, Nhà nước.

Các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, an ninh văn hóa cần có biện pháp tăng cường công tác quản lý hoặc giám sát việc đăng tải các thông tin trên  blog, Facebook; kịp thời ngăn chặn những hành vi phát tán các thông tin, hình ảnh có nội dung tiêu cực, phản cảm; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng mạng để tung tin thất thiệt, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, xâm phạm lợi ích quốc gia, danh dự, uy tín cán bộ của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần tỉnh táo, chọn lọc thông tin, tuyệt đối không nghe, không đọc, không tin, không bàn luận, không chia sẻ các thông tin xấu độc, bịa đặt.

NGUYỄN THANH


(0) Bình luận
Chống thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội