Năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng công tác phòng, chống tham nhũng không những không “chùng xuống” mà còn tiếp tục được đẩy mạnh.
Quyết tâm đó càng thể hiện rõ khi ngày 10.9, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng” và thống nhất tên gọi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (bổ sung từ “tiêu cực”) để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mặc dù đã được lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, có chuyển biến rõ nét; tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trên, theo Tổng Bí thư là do công tác phòng, chống tiêu cực tuy đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng còn phân tán, thiếu tính tập trung; chưa gắn kết chặt chẽ giữa phòng chống tham nhũng với phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Việc Bộ Chính trị quyết định sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, “không ngừng”, “không nghỉ”, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi và sự tin tưởng của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng.
Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì kinh nghiệm quốc tế cũng như những bài học rút ra từ thực tiễn đều cho thấy phải thiết lập bằng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng", cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để “không dám tham nhũng” và cơ chế bảo đảm, đãi ngộ hợp lý để “không cần, không muốn tham nhũng". Và trong năm 2021, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm; nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước về quản lý kinh tế- xã hội và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, chú trọng việc cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; qua đó đã góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, khắc phục những hạn chế trong các quy định của pháp luật, tạo cơ sở chính trị- pháp lý đồng bộ, khả thi để phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Quốc hội tiếp tục tăng cường việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật với nhiều giải pháp mạnh mẽ. Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về quản lý kinh tế- xã hội và phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng; tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định mâu thuẫn, bất cập, chồng chéo, không phù hợp.
Chính vì vậy, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 cho biết, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước, sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả.
Điểm quan trọng là gắn phòng chống tham nhũng với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Điều đó càng được thể hiện rõ khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa họp xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, đề nghị kỷ luật và quyết định thi hành kỷ luật hàng loạt cán bộ cả đương nhiệm và đã nghỉ công tác.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng vẫn còn.
Các nghiên cứu từ cơ quan của Quốc hội cho rằng một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”. Đáng lưu ý là đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 với một số hành vi phổ biến như: mua bán, đấu thầu trang thiết bị phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, phạm vi, trọng tâm thời gian tới là chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước; trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Chú trọng phòng, chống tham nhũng đồng thời không xem nhẹ, bỏ lọt các hành vi tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức. Quyết tâm "không ngừng, không nghỉ, không có ngoại lệ" trong công tác rất quan trọng này chắc chắn sẽ tiếp tục được thể hiện trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Theo VOV