Chống rét cho vật nuôi, thủy sản

17/01/2014 14:00

Để phòng, chống rét, bảo vệ vật nuôi, thủy sản, người dân trong tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp.



Anh Nguyễn Hữu Hùng ở thôn Tiền, xã Hiệp Lực (Ninh Giang) dùng bóng đèn điện và sàn gỗ để chống rét cho lợn


Bảo vệ vật nuôi

Gia đình anh Nguyễn Hữu Hùng ở thôn Tiền, xã Hiệp Lực (Ninh Giang) nuôi 50 con lợn thịt, 13 lợn nái và 50 lợn con. Để chủ động phòng, chống rét, với mỗi loại lợn anh Hùng lại áp dụng các biện pháp riêng. Với lợn con, anh nuôi khoảng chục con vào một ô, mỗi ô đều được thắp 1 bóng đèn 175W. Đối với khu nuôi lợn nái và lợn thịt, anh bố trí chỗ hun trấu và thắp một số bóng điện 120W; khu vực nuôi lợn nái và lợn con, anh đều lót sàn gỗ ở dưới để khi lợn nằm không bị lạnh. Anh còn đặt nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ trong chuồng duy trì luôn ở mức từ 19-20 độ C. Bên ngoài chuồng, anh sử dụng bạt để che các ô cửa. Những ngày trời rét, lợn luôn được ăn nhiều hơn so với ngày thường. Anh Hùng còn bổ sung thêm muối và một số loại vi-ta-min vào thức ăn. Với các biện pháp như vậy, mặc dù thời tiết rét đậm, rét hại nhưng đàn lợn của anh Hùng không bị ảnh hưởng. "Nếu lợn bị lạnh sẽ phát triển kém, sức đề kháng giảm, nên dễ phát sinh nhiều loại bệnh, có nguy cơ thành dịch. Khi đó, thiệt hại rất lớn, công sức chăn nuôi 1 năm coi như mất hết. Vì thế, chúng tôi phải chú trọng đến phòng, chống rét cho đàn lợn. Từ đầu vụ rét đến nay, qua theo dõi, tôi thấy đàn lợn vẫn tăng trọng như những ngày trời không rét”, anh Hùng cho biết.

Trang trại của anh Đặng Duy Tuyền ở thôn Cáy, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) rộng 3 ha, chủ yếu làm cá giống. Trang trại đã dụng sử dụng máy để bơm nước từ giếng lên ao, bởi nước trong giếng ấm hơn. Đối với cá bố, mẹ, anh Tuyền cho lên bể để chăm sóc. Trong những ngày giá rét, anh thường xuyên phải sục khí để tăng thêm ô-xi cho cá. "Về mùa rét, nhu cầu thức ăn của cá giảm, vì thế, chúng tôi đã giảm từ việc cho cá ăn 2 bữa/ngày xuống còn 1 bữa. Trong thức ăn, chúng tôi cũng bổ sung thêm một số loại thuốc để tăng sức đề kháng cũng như phòng, chống một số loại bệnh mà cá thường mắc. Việc giảm lượng thức ăn sẽ hạn chế tình trạng dư thừa, tránh nước ao bị ô nhiễm. Ngoài ra, tôi luôn duy trì lượng nước trong ao từ 1,5-2m. Ao càng nhiều nước thì nước trong ao càng ấm. Trong những ngày giá rét, chúng tôi không kéo cá. Với các biện pháp như vậy, từ đầu vụ đến nay, trang trại của tôi không có cá chết rét”, anh Tuyền cho biết.

Không chỉ lợn, cá, các loại vật nuôi khác như gà, chim, trâu, bò cũng được người nuôi áp dụng các biện pháp chống rét như quây kín chuồng trại, cho ăn uống đủ chất, thắp điện, sưởi ấm, không chăn thả trâu bò ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp. Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp nên người chăn nuôi trong tỉnh đã có nhiều kinh nghiệm và luôn chủ động trong việc phòng, chống rét.

Hướng dẫn cụ thể


Từ tháng 10 - 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo phòng nông nghiệp, trạm thú y, trạm khuyến nông các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm, thủy sản. Sở đề nghị các địa phương trích 1 phần ngân sách nhất định cho việc phòng, chống rét. Chi cục Thú y phối hợp với cán bộ thú y cơ sở thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân các biện pháp chống rét, cách thức cho  gia súc, gia cầm, thủy sản ăn để tăng cường sức đề kháng. Tập trung phòng, chống các loại dịch bệnh do thời tiết rét có thể gây ra. Sở yêu cầu Trung tâm Giống gia súc tỉnh cũng như các đơn vị cung ứng giống khác chủ động con giống để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngay sau khi tỉnh có văn bản chỉ đạo, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai. Bà Phạm Thị Liên, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Ninh Giang cho biết: Huyện đã hướng dẫn người dân che chắn chuồng trại, sưởi ấm cho vật nuôi... Mỗi biện pháp đều được cán bộ hướng dẫn cụ thể bởi nếu không thực hiện đúng thì vừa gây lãng phí vừa làm ảnh hưởng đến vật nuôi. Ví dụ khi đốt trấu trong chuồng lợn, cần hé cửa chuồng để gió lùa vào, tránh để lợn hít phải khói dễ bị sặc. Trên địa bàn huyện Ninh Giang không có tình trạng gia súc, gia cầm chết rét.

Theo dự báo, thời tiết năm nay còn nhiều diễn biến phức tạp, rét muộn hơn so với mọi năm. Vì vậy, người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để áp dụng các biện pháp phù hợp, tránh tình trạng để gia súc, gia cầm chết rét, góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống rét cho vật nuôi, thủy sản