Chống chiến tranh phá hoại bằng... thơ

30/04/2019 17:12

Sáng tác ca dao, hò vè, dùng chúng để đánh giặc giữ làng, bảo vệ Tổ quốc là đặc sản văn hóa tinh thần của nhân dân Việt Nam.

Thời chiến tranh chống Mỹ, những nữ dân quân ngoài tay cày, tay súng còn biết sử dụng thơ ca hò vè để khích lệ tinh thần nhân dân. Ảnh: Bettman - GettyImages

Điều này được lưu truyền từ xa xưa, càng phát huy với tinh thần lạc quan và kiêu hãnh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược.

Đánh giặc bằng ca dao, hò vè không chỉ xuất hiện ở mặt trận trực tiếp chiến đấu tiêu diệt địch mà còn sôi nổi nơi hậu phương, minh chứng hùng hồn lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ. Hậu phương thi đua với tiền phương”.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, những người chiến sĩ nông dân ở hậu phương lớn miền Bắc sử dụng ca dao, hò vè để đánh giặc như một thứ phản xạ linh hoạt thường ngày. Tập trung nhất là kịp thời phản ứng lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của địch. Diễn biến chiến đấu của mặt trận phòng không thường rất khẩn trương, như nhịp kẻng keng keng báo động máy bay. Ca dao, hò vè, thơ phú phục vụ chiến đấu... vì thế cũng hình thành theo lối ứng khẩu, cập nhật. Đây là sự độc đáo mà không phải dân tộc nào khi đương đầu với chiến tranh cũng có được. 

Hồi đó, bà con ở huyện Tứ Kỳ vận động đào hầm trú ẩn tránh bom giặc tự nhiên như nói chuyện sinh hoạt: “Từ Nghệ An cho tới tỉnh Thanh (Thanh Hóa)/Hố hầm ta sửa cho nhanh, cho nhiều/ Quạ Mỹ nó có máu liều/Bom bi nó thả là điều tất nhiên”. Mộc mạc, dễ hiểu và đặc biệt là dễ biến thành hành động. Ý tứ thể hiện sự biết địch, biết mình. Phổ biến cách làm hầm hào ở các trường học, có ông đội trưởng nói với bà con rằng: “Ta làm hầm hào đa dạng các kiểu liên hoàn: Chữ a, chữ hát (H), chữ vê (V)/Chữ e, chữ ích (X), chữ tê (T), chữ mờ (M). Như thế vừa để tránh bom, lại vừa thuận tiện cho các cháu sơ tán một cách thông suốt dưới đường hào khi cần thiết".

Năm 1966, Nhà máy sản xuất bánh kẹo Hải Dương sơ tán về làng Dọng (xã Đại Đồng, Tứ Kỳ). Một hôm, trước lúc bắt đầu nghỉ trưa, từ chòi gác máy bay ở đầu làng bỗng vang vang giọng con gái đọc bài thơ: “Nhà máy bánh kẹo Hải Dương/Trông nom hầm hố vẫn thường kiểm tra/Mồng 5 tháng 6 vừa qua/Bắt được con rắn tên là cạp nong/Cuộn khoanh dưới hố phòng không (hố cá nhân tránh bom)/Chờ khi giặc đến cộng đồng hại ta/Tin này truyền khắp gần xa/ Kiểm tra hầm hố phải là thường xuyên”. Những ngày ấy, hầm hố ở nông thôn không có điều kiện bê tông hóa, cỏ cây mọc cả ở dưới đáy nên côn trùng, rắn rết hay tìm đến làm tổ. Bài thơ này do cụ Phạm Văn Thưởng, một người nông dân ở làng Dọng viết ngay trên bờ ruộng vừa mới cắm mạ. Ba ngày sau đã loan ra toàn vùng qua đường liên lạc giao ban trực chiến ở huyện.

Thú vị không kém là chiến thuật che mắt bọn giặc lái. Bà con làm vòng lá ngụy trang phủ ngoài nùn rơm, đeo trên lưng khi đi làm đồng hoặc đi làm nhiệm vụ ngoài trời như mít tinh, hội họp hoặc giúp bộ đội đắp ụ pháo bắn máy bay địch... Tôi nhớ mãi đám cưới của anh Quân và chị Điều hàng xóm, do Chi đoàn thôn tổ chức ở sân nhà trẻ lúc 5 giờ chiều. Chú rể là bộ đội chủ lực lâu năm, kết hợp chuyến công tác tranh thủ cưới vợ rồi còn đưa quân vào Nam, mặc quân phục chuẩn úy. Cô dâu ở tổ kỹ thuật về nước, phân, cần, giống của HTX, chuyên đảm nhiệm khâu thủy nông, mặc quần vải láng đen, áo nâu non. Anh Thoảng điều khiển chương trình dẫn 4 câu song thất lục bát rất hồn nhiên: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ/Anh tiền phương, còn chị tưới tiêu/Nâu non càng được chồng yêu/Bởi vì áo trắng mục tiêu quân thù”. 

Ca dao, hò vè ở hậu phương thời chống chiến tranh phá hoại không những cổ vũ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào sự tất thắng, mà nó còn như những khẩu súng chĩa thẳng vào quân thù. Tôi nhớ một vụ mùa vàng óng, giữa lúc bà con đang thoăn thoắt tay liềm tay hái... thì truyền đơn của địch bay phấp phới trên không, rồi rơi lả tả nằm la liệt trên lúa. Tờ truyền đơn to bằng bàn tay có dòng chữ: “Nhân dân gặt hái xong chưa/Mỗi làng ba quả (bom) có vừa hay không”. Ngay lập tức, ông Vũ Văn Thông, thanh niên tuyên truyền của thôn chụm bàn tay như lưỡi dao, chỉ thẳng vào tờ giấy, nói to: “Gặt hái, việc của chúng ông/Chúng mày đến phá là không đường về”. Rồi ông ngửa mặt cười khà khà giữa khí thế hào sảng “quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược” của bà con nông dân ngay trên cánh đồng quê hương. Lắm khi những câu vần vè mộc mạc như thế còn được chuyển thể dân ca với các làn điệu trống quân, cò lả, lới lơ... vang vang ngay giữa cánh đồng hoặc trong những đêm đập lúa tập thể ở sân đình.

Mới rồi, một số địa phương ở huyện Tứ Kỳ quê tôi ngỏ ý đưa di sản văn hóa kháng chiến của các làng xóm trong xã vào xây dựng nông thôn mới. Thoạt nghe có vẻ gì như chưa yên tâm. Khi biết đó chính là việc đề ra chủ trương sưu tầm ca dao, hò vè và các mẹo nảy sinh trong sản xuất, đánh giặc ngoại xâm để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tôi bỗng thêm tự hào về quê hương mình.

PHẠM XƯỞNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống chiến tranh phá hoại bằng... thơ