Đền Hùng đặc biệt thu hút du khách bởi một hệ sinh thái rừng nhiệt đới phong phú, có giá trị về mặt đa dạng sinh học.
Cán bộ Khu di tích lịch sử Đền Hùng trồng cây sấu, chò chỉ, thông, si, đa, lát hoa,
lim xanh, trám... trong rừng quốc gia Đền Hùng
Từ độ cao gần 200m so với mực nước biển, trên đỉnh Nghĩa Lĩnh nhìn xuống chỉ thấy ngợp trước mắt một màu xanh cây lá. Bất chợt những câu thơ của Nguyễn Hùng hiện lên trong tôi như một phản xạ bởi sự tương tác kỳ lạ giữa cảnh vật với xúc cảm. "Rất nhiều loài cây/Núi Nghĩa Lĩnh như bao hòn núi khác/Nhưng ở đây cây ấm hơi người... Những cây si già râu mượt tựa nhung/ Những cây đại ngót nghìn năm tuổi/Cây vạn tuế ba chồi vời vợi/Thế gian này dễ chỉ một đây thôi/Cây chò uy nghi lá chạm sao trời/Chứng tích của một thời dựng nước..." Được xếp loại rừng lịch sử - văn hóa - môi trường trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, chính những thảm cây rừng mướt mát ấy đã khiến khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia này trở thành một thắng cảnh gần gũi, gắn liền với nơi thờ cúng tổ tiên và cuộc sống thường nhật của người dân.
Theo quy hoạch năm 2002, rừng quốc gia Đền Hùng có diện tích 538 ha, trong đó có 18,7 ha rừng tự nhiên. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Tài nguyên môi trường, rừng Đền Hùng có 636 loài thực vật thuộc 429 chi của 144 họ. Trong đó có 15 loài cây quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ như: cẩu tích, tuế lược, trầm hương, kim giao, gõ đỏ, sến mật, lát hoa, giáng hương, vù hương, sưa, vừ, konia, chò chỉ, trúc bụng Phật, thổ phục linh... Nếu tính về giá trị kinh tế, rừng Đền Hùng có tới 205 loài cây lấy gỗ, 192 loài làm thuốc, 97 loài làm cảnh, 104 loài thực vật phẩm và 94 loài cho dầu nhựa. Do độ dốc cao nên hằng năm cây rừng Đền Hùng bị gãy đổ nhiều vì gió bão. Chịu nhiều sự tàn phá bởi thời gian cùng những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết nhưng rừng Đền Hùng vẫn lưu lại được một số cây cổ thụ, cây lâu năm như những chứng tích trường tồn cùng lịch sử.
Già nhất trong quần thể rừng Đền Hùng là cây vạn tuế ở trước cửa chùa thuộc khu đền Hạ. Cây có tán 3 ngọn rất đẹp, có thể nói là độc nhất vô nhị từ Bắc vào Nam. Nếu tính theo quy luật 2 năm một lần mọc lá non và lại rụng đi một vòng lá già thì với số vòng lá đang sở hữu hiện nay cây vạn tuế đã gần 800 tuổi. Cùng với đó là những cây đại ở đền Hạ, đền Trung và đền Giếng nếu xét về kích thước sum suê của cành lá và thời gian tồn tại đều tương đồng với những cây đại ở Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), được xác định khoảng 500 tuổi. Trong số những cây lâu năm ở Đền Hùng phải kể đến 4 cây thông được trồng ở khu vực các đền và đường lên đền. Nhưng do trồng trên núi cao, bản thân cây cũng mọc cao nên đã bị sét đánh chết 3 cây. Sau khi hạ cây, cắt khoanh đếm vòng tâm phát triển hằng năm đã xác định các cây thông này cũng có tuổi thọ xấp xỉ 300 năm. Ngoài ra, ở Đền Hùng còn hai cây sui trên đền Thượng và cây trám ở ngã ba đền Giếng cũng thuộc dòng cổ thụ lâu năm cần được xác minh tuổi một cách chính xác.
Từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập khu rừng quốc gia Đền Hùng năm 2002 đến nay, đã có gần 7 ha rừng bạch đàn được cải tạo để trồng mới. Mỗi năm tổ kỹ thuật chăm sóc và phát triển tài nguyên rừng của khu di tích đều trồng bổ sung bình quân khoảng 1.000 cây vào những vị trí cây bị gãy đổ hoặc những diện tích còn trống để làm giàu rừng. Như vậy đến nay, khu di tích đã trồng bổ sung được nhiều loại cây gỗ quý, cây sinh vật cảnh vào 30 ha rừng thuộc núi Nghĩa Lĩnh, bổ sung 18.000 cây các loại vào 45 ha khu núi Vặn. Bên cạnh đó, hai khu vườn cây lưu niệm quốc gia cũng bổ sung được trên 500 cây do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, ngành Trung ương và 64 tỉnh, thành phố trong cả nước trồng. Điều đặc biệt là khu vực cây lưu niệm của các địa phương trong cả nước có nhiều loại cây đặc thù của ba miền Bắc-Trung-Nam được các tỉnh, thành phố mang về trồng trên đất Tổ. Chỉ qua vườn cây, cả nước đã cùng nhau hướng về đất Tổ một cách ý nghĩa, thiết thực nhất.
Trung tuần tháng ba vừa qua, lãnh đạo cùng đoàn viên thanh niên của 19 báo Đảng các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đã tham gia trồng Vườn cây báo Đảng nằm trong khu vườn cây lưu niệm của khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đây là minh chứng cho tâm ý chân thành của một thế hệ hậu thế luôn biết trân trọng, gìn giữ môi trường sống, gìn giữ màu xanh trên mảnh đất mà các bậc tiền nhân đã khởi tạo.
KIM THƯ