Đó là thông điệp nhiều chuyên gia nhấn mạnh trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2020 tại tỉnh Phú Yên sáng 19.7.
TS Phạm Tấn Hạ tại chương trình sáng 19.7
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp cùng Trường Đại học (ĐH) Xây dựng miền Trung, Sở GDĐT, Tỉnh đoàn Phú Yên tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Học ngoại ngữ không chỉ nghe nói đọc viết
Bạn Duy Tùng, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Yên), đặt câu hỏi cho ban tư vấn: Theo học ngôn ngữ ở các trường đại học có khác gì với học ở các trung tâm ngoại ngữ?
Trao đổi với học sinh, TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh thông tin: không ít sinh viên vào học ngành ngôn ngữ Anh ở các trường đại học đã có chứng chỉ IELTS 8.0 hoặc tương đương.
Tuy nhiên ngôn ngữ ở trường đại học không chỉ dừng lại ở bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Sinh viên còn được bổ sung các kiến thức về văn hóa, tư duy ngôn ngữ, các kỹ năng như biên - phiên dịch... Nhờ đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp mới có thể làm tốt các công việc chuyên sâu như dịch thuật, giảng dạy,…
Một số học sinh theo học ngoại ngữ thường bỏ quên tiếng mẹ đẻ. TS Hạ lưu ý các bạn cần giỏi cả tiếng Việt mới có thể phát huy tối đa năng lực ngoại ngữ, tránh trường hợp không đủ vốn từ để diễn giải từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
Đó cũng là lý do khoa ngữ văn Anh Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh xét tuyển theo tổ hợp văn - toán - Anh, vì muốn đầu vào sinh viên vừa có tiếng Anh, vừa có khả năng dùng tiếng Việt và tư duy logic.
Tố chất cho từng công việc
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh lưu ý học sinh cần chọn ngành nghề dựa trên 3 yếu tố: độ yêu thích, năng lực và nhu cầu xã hội. Yếu tố yêu thích là trước tiên, nhưng phải phù hợp với năng lực của bản thân và nhu cầu của xã hội.
Các chuyên gia tư vấn nhắc nhở học sinh cần lưu tâm đến tố chất của các ngành nghề dự định lựa chọn. ThS Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TPHồ Chí Minh) chia sẻ người học luật không phải chỉ cần nhớ lâu.
Sinh viên trong các khoa luật được đào tạo tư duy logic bên cạnh các kiến thức chuyên ngành về luật Việt Nam và quốc tế. "Sinh viên cần có trải nghiệm, đọc nhiều sách và rèn luyện tư duy cho bản thân", ThS An nói.
Học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 19.7
Với ngành công nghệ sinh học, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh - cho biết sinh viên cần có tố chất thích khám phá, tìm tòi cái mới, và phải có khả năng làm việc thời gian dài trong phòng thí nghiệm. "Các em thích bay nhảy thì không phù hợp cho môi trường này", ông Hùng nói.
Với ngành ngành công tác xã hội, TS Hạ cho biết sinh viên muốn theo ngành này phải xuất phát từ cái tâm muốn hỗ trợ cho người khác. Tuy nhiên, các bạn cần được đào tạo bài bản, không thể làm việc chỉ bằng cái tâm.
"Rất nhiều tổ chức nước ngoài đang đặt các văn phòng nghiên cứu các vấn đề xã hội tại Việt Nam. Xã hội càng phát triển thì ngành công tác xã hội sẽ càng phát triển", thầy Hạ nói.
Nữ làm kỹ thuật được không? Trả lời câu hỏi liệu các bạn nữ có thiệt thòi khi theo học các ngành kỹ thuật, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết đó là quan niệm đã cũ. Trước đây, nhiều học sinh nữ lo học các ngành ô tô thì làm sao có thể bò nằm dưới đất như các bạn nam? Ông Dũng cho rằng hiện nay khi máy móc hiện đại, con người chủ yếu vận hành máy móc. Lao động có chuyên môn chủ yếu làm các công việc thiết kế, bộ phận thợ sẽ trực tiếp làm. Ngoài ra, tính tỉ mỉ, cẩn thận của bạn nữ cũng sẽ giúp ích nhiều khi làm kỹ thuật. Ông Dũng thông tin thêm sinh viên nữ vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh được giảm 50% học phí. |
Theo Tuổi trẻ