"Chọn ngành nào tùy con"

28/07/2023 06:18

Hai mươi năm trước, khi tôi hỏi ý kiến để chọn ngành và trường đại học, má tôi đã nói vậy.

Một phần vì má "không rành" chuyện ngành nghề, "má chỉ là nông dân". Phần khác, má tôn trọng và tin tưởng lựa chọn của tôi nên trao cho tôi quyền tự quyết.

Hồi tôi vào cấp II, phải đi học xa nhà hơn nên cần có xe đạp. Má chắt chiu bán gà bán heo cùng cả trăm ký thóc. Xe đạp lúc đó trị giá cả một chỉ vàng (rất lớn với gia đình tôi), nhưng khi ra chợ Thơm, ngôi chợ duy nhất của xã, có một hai tiệm lắp ráp và sửa xe, má vẫn để cho tôi tự chọn chiếc xe tôi thích.

Sau này, trong rất nhiều việc, má luôn hỏi ý tôi khi muốn mua cho thứ gì đó giá trị. Theo má, quà trao cho một người thì nên để người ấy chọn, họ thích thì họ mới vui và trân trọng khi sử dụng. Tôi học được ở má cách ứng xử này, nhất là mỗi khi tặng quà ai đó, kể cả cho cậu con trai 5 tuổi của mình.

Không ít phụ huynh bỏ qua ý kiến của con khi mua sắm đồ cho chúng hoặc bàn bạc chuyện gì đó trong gia đình, với lý lẽ "con nhỏ đâu biết gì?". Nhiều ông bố bà mẹ lại nhân danh tình thương con, lo cho con đủ thứ: con đi học đại học vẫn sợ con đói, lạnh; con có vợ có chồng cũng còn lo "nó bị chồng/ vợ ăn hiếp".

Không lắng nghe con là sự thiệt thòi cho cả người lớn lẫn trẻ con. Trẻ có rất nhiều lời nói dễ thương và cũng đáng để suy nghĩ, nếu biết lắng nghe, ta có thể hiểu trẻ hơn, giúp trẻ mở lòng, nói được những điều mình nghĩ. Trẻ em Việt Nam thường nhút nhát, thụ động một phần vì bị người lớn gạt ngang mọi ý kiến, làm thay mọi việc. Hỏi ý trẻ sẽ giúp con rèn luyện tư duy độc lập, trở nên có chính kiến về sau.

Trẻ không thể lớn nếu bố mẹ cứ theo dõi (chứ không phải là dõi theo) để quyết định thay mọi thứ, chẳng hạn, thay con chọn trường, chọn ngành; rồi chọn chồng chọn vợ; quyết bẻ ngược lối sống, tình yêu, lựa chọn chính đáng của con mình.

Chọn nghề, chọn ngành cũng như chọn chồng chọn vợ là những việc quan trọng của đời người. Nhưng, cưới vợ, lấy chồng mà phải lấy người mình không yêu, không có cảm xúc thì làm sao sống chung hạnh phúc. Làm việc cả đời mà phải làm nghề mình không thích, không có sở trường thì làm sao có cơ hội thành công.

Theo khảo sát của một trung tâm dự báo nhân lực, năm 2019, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%. Chỉ 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học; 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề đã chọn. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng có thống kê cho thấy, hàng năm có khoảng 175.000 sinh viên cao đẳng, đại học tốt nghiệp; trong số đó khoảng 60% ra trường làm trái ngành.

Trao quyền cho con em chúng ta chọn ngành nghề và trường học phù hợp; lắng nghe, hiểu được sở thích, sở trường của con để tư vấn, định hướng, vừa thể hiện sự tôn trọng con vừa giúp con chọn đúng, tiến thân tốt hơn.

Việc của bố mẹ là chia sẻ hiểu biết, trải nghiệm và vốn sống của mình cho con, như một thứ tài liệu tham khảo quý giá, chứ không phải áp đặt và quyết định thay. Trải qua quá trình dài trong vai một phụ huynh, nhiều người mới ngộ ra rằng, nếu có thể lắng nghe, khơi gợi cho con khám phá bản thân, tìm thấy năng lực và phát huy sở trường ngay từ bé thì bố mẹ - con cái mới dễ dàng có tiếng nói chung trong câu chuyện tương lai.

Một phụ huynh thông thái không quyết định mọi thứ thay con, hoặc loay hoay xử lý những hậu quả con gây ra, mà dạy con cách tự quyết, tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình.

Không ai có thể sống đời để làm thay con tất cả và mỗi người ngay khi sinh ra đã là một cá thể độc lập và riêng biệt. Họ chỉ cần được tạo điều kiện, môi trường phù hợp để phát triển.

Thất bại hay sai lầm do chính một người tự chọn sẽ là bài học quan trọng nếu họ muốn tự thân trải nghiệm cuộc sống này.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Chọn ngành nào tùy con"