Không theo hướng tiếp cận “được ăn cả, ngã về không” dưới thời Trump và “kiên nhẫn chiến lược” dưới thời Obama, con đường riêng của chính quyền Tổng thống Biden liệu có phá được thế bế tắc trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên?
Tổng thống Mỹ Joe Biden
Từ chối "mặc cả lớn" và “kiên nhẫn chiến lược”
Nhà Trắng hôm 30.4 cho biết, Tổng thống Joe Biden có kế hoạch thay đổi hướng tiếp cận với chương trình hạt nhân của Triều Tiên so với 2 người tiền nhiệm Donald Trump và Barack Obama.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki thông báo các quan chức trong chính quyền Mỹ đã hoàn thành bản đánh giá chính sách của Mỹ với Triều Tiên, vốn được coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất về an ninh quốc gia mà Mỹ và đồng minh phải đối mặt.
"Mục tiêu của chúng tôi vẫn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên song chúng tôi cũng hiểu rõ rằng những nỗ lực của 4 chính quyền trước đó đã không đạt được mục tiêu này".
Trước đó, chính quyền Mỹ thông báo sẽ sớm tiến hành đánh giá về hồ sơ Triều Tiên sau khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1. Thư ký Báo chí Nhà Trắng cho biết các quan chức tiếp tục tham vấn các chuyên gia nước ngoài, các đồng minh của Mỹ và những người tiền nhiệm trong các chính quyền trước đó như một phần trong quá trình này.
"Chính sách của chúng tôi không tập trung vào các cuộc mặc cả lớn, cũng như không dựa vào sự kiên nhẫn chiến lược", bà Psaki cho hay.
Ông Biden, giống như cựu Tổng thống Obama coi Triều Tiên có lẽ là vấn đề nhạy cảm nhất về chính sách đối ngoại với Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, những nhận định của bà Psaki cho thấy chiến lược của Tổng thống Biden khác với chính sách "nước đôi" của cựu Tổng thống Obama, tức là vừa để ngỏ cánh cửa đối thoại nếu Triều Tiên cư xử đúng mực và áp đặt các lệnh trừng phạt nếu Bình Nhưỡng có những động thái gây lo ngại.
Chính quyền của ông Biden dường như cho thấy Mỹ đang cố gắng thiết lập một quy trình từng giai đoạn, tức là các biện pháp phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ đi cùng với các hành động tương xứng, bao gồm có việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.
Chính quyền Biden cũng không đề cập đến sự đảm bảo an ninh cho Triều Tiên hay việc chấm dứt chính thức cuộc Chiến tranh Triều Tiên - hai đề nghị của phía Triều Tiên và là một phần trong quy trình lớn hơn mà đội ngũ cựu Tổng thống Trump cân nhắc đàm phán.
Dưới thời Tổng thống Biden, Nhà Trắng có thể sẽ ít tập trung hơn vào việc phát triển quan hệ hòa hợp với nhà lãnh đạo Kim Jong Un mà thay vào đó sẽ tham vấn các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản nhiều hơn.
Các quan chức trong chính quyền Biden cũng tham vấn các quan chức dưới thời cựu Tổng thống Trump từng tham gia vào các cuộc trao đổi ở Singapore giữa ông Kim Jong Un và ông Trump vào tháng 6/2018 cũng như Hội nghị Thượng đỉnh thứ hai diễn ra ở Hà Nội vào tháng 2.2019.
Con đường riêng của Biden
Quyết định theo đuổi một thỏa thuận theo từng giai đoạn dẫn đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn đã được các quan chức như Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Cố vấn An ninh Quốc gia và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Mark A.Milley thông báo tới Tổng thống Biden vào tuần trước.
Kế hoạch này là sự bác bỏ chiến lược của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton dưới thời ông Trump, người kiên quyết cho rằng Mỹ chỉ chấp nhận một thỏa thuận "được ăn cả, ngã về không" với Triều Tiên mà theo đó, Washington dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt để đổi lấy việc Bình Nhưỡng dỡ bỏ hoàn toàn các chương trình vũ khí. Hướng tiếp cận này cũng từng bị nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bác bỏ thẳng thừng trong Hội nghị Thượng đỉnh năm 2019 ở Hà Nội - một thỏa thuận sụp đổ do các quan chức Mỹ khẳng định rằng họ sẽ không dỡ bỏ trừng phạt, trừ khi Triều Tiên đem toàn bộ chương trình hạt nhân lên thảo luận trên bàn đàm phán.
"Chúng tôi không tìm kiếm một sự nhượng bộ lớn hoặc hướng tiếp cận được ăn cả, ngã về không", một quan chức cấp cao Mỹ nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 29/4.
"Những gì chúng tôi muốn thiết lập là con đường ngoại giao thực tế và theo từng giai đoạn với Triều Tiên nhằm mục tiêu loại trừ mối đe dọa với nước Mỹ".
Quan chức này cũng cho biết chính quyền Tổng thống Biden đã chia sẻ kết quả bản đánh giá này với các đồng minh và đối tác, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các thành viên trong Quốc hội trong suốt những tháng qua.
Bản đánh giá về chiến lược với Triều Tiên được đưa ra giữa bối cảnh mối lo ngại của Washington với Bình Nhưỡng ngày càng gia tăng sau khi Triều Tiên tiến hành thử tên lửa đạn đạo và tên lửa phóng từ tàu ngầm.
Các quan chức Mỹ cho biết họ có kế hoạch chuyển chiến lược mới này cho các quan chức Triều Tiên song cũng thừa nhận rằng điều đó không thể thay đổi những tính toán của Bình Nhưỡng trong tương lai gần.
Một trong nhiều thách thức mà các quan chức Mỹ đối mặt là liệu họ có thể tạo nên bước ngoặt bằng hướng tiếp cận từng giai đoạn hay không mà theo đó, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt từng phần sẽ diễn ra cùng quá trình phi hạt nhân hóa từng phần cho tới khi chương trình này hoàn toàn bị dỡ bỏ. Một quan chức Mỹ cho biết nỗ lực này là "một hướng tiếp cận ngoại giao thận trọng, phù hợp với những đề nghị đi kèm với những bước đi cụ thể để hướng tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa”.
Hướng đi này khác với hướng tiếp cận của chính quyền Tổng thống Obama, hoãn trao đổi ngoại giao nghiêm túc với Triều Tiên cho tới khi nước này thay đổi hành vi và dừng các hành động mà Mỹ cho là khiêu khích.
"Nếu chính quyền Tổng thống Trump muốn đổi tất cả để nhận lại tất cả, chính quyền Tổng thống Obama không muốn đánh đổi bất kỳ thứ gì nếu không nhận được gì thì đây là hướng tiếp cận ở giữa".
Chính quyền Tổng thống Biden lần đầu tiên tiếp xúc với phía Triều Tiên qua nhiều kênh khác nhau từ giữa tháng 2. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã từ chối hướng tiếp cận được gọi là "chiêu trò câu giờ" này. Hồi tháng 3, Triều Tiên phóng 2 tên lửa tầm ngắn giữa lúc Ngoại trưởng Mỹ Blinken có chuyến công du đầu tiên tới châu Á - Thái Bình Dương, vài ngày sau đó, Triều Tiên tiếp tục phóng 2 tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản.
Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt về kinh tế là ưu tiên chủ chốt của nhà lãnh đạo Kim Jong Un giữa bối cảnh nền kinh tế nước này gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thiên tai, các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc khi cấm xuất khẩu nhiều mặt hàng như dệt may, than đá và quặng sắt. Covid-19 cũng khiến Triều Tiên phải đóng cửa biên giới với Trung Quốc vào năm ngoái, vốn chiếm hơn 90% trao đổi với bên ngoài của nước này.
Một câu hỏi quan trọng hiện nay là Trung Quốc sẽ đóng vai trò gì trong tiến trình ngoại giao trên khi nước này có ảnh hưởng với Triều Tiên cả về kinh tế và chính trị. Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng những năm gần đây khi hai bên ngày càng bất đồng về nhiều vấn đề như thương mại, nhân quyền và an ninh. Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Biden sẽ tìm cách "hợp tác với Trung Quốc giữa bối cảnh hai bên đều hướng tới việc ủng hộ những nỗ lực ngoại giao, cũng như đáp ứng nhiệm vụ chung là đảm bảo các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc được thực thi".
Dù vậy, bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay có thể làm phức tạp chiến lược của Washington với Bình Nhưỡng.
Các đối tác của Mỹ ở châu Á đánh giá cao sự tham vấn và can dự của chính quyền Tổng thống Biden tại khu vực. Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Austin đã lựa chọn Nhật Bản và Hàn Quốc cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Nhà Trắng. Hôm 29.4, Nhà Trắng cũng thông báo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sẽ thăm Washington ngày 21/5.
Dù vậy, Mỹ nhận ra rằng thách thức từ phía Triều Tiên là một vấn đề cấp bách, thậm chí cả khi sự hợp tác giữa các đồng minh được tăng cường. Một quan chức về khu vực Đông Á nhận định: "Chúng ta cần có hướng tiếp cận hợp tác chặt chẽ. Sự hợp tác ngay từ đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chúng ta có thời gian rất hạn chế để giải quyết hồ sơ Triều Tiên".
Theo VOV