Dù chơi phong lan không còn khó khăn như trước nhưng không phải ai cũng đủ đam mê và sự kiên trì để chơi một cách trọn vẹn.
Anh Lê Duy Sơn, chủ vườn lan Lâm Hải nổi danh đất Hải Dương đã gắn bó với phong lan gần 30 năm nay
Kỳ công
“Vua chơi lan, quan chơi trà” là câu ca về một thú chơi vô cùng tao nhã, cao sang chỉ dành cho các bậc vương giả đã được truyền tụng trong dân gian khi xưa. Câu nói này đã không còn đúng trong hoàn cảnh hiện nay và chơi lan cũng không còn là thú chơi chỉ dành riêng cho giới thượng lưu. Chơi lan đã trở thành thú chơi bình dân cho mọi tầng lớp, bởi chỉ cần có đam mê là người chơi có thể đưa về nhà vài giò với giá cả hợp lý. Thế nhưng, để chơi lan một cách trọn vẹn, đúng nghĩa của từ này lại đòi hỏi một niềm đam mê mãnh liệt mà không phải ai cũng có thể theo đuổi được.
Ngồi bên ấm trà nóng trong vườn lan trên đường Trương Đỗ (TP Hải Dương), anh Lê Duy Sơn, chủ vườn lan Lâm Hải nổi danh đất Hải Dương cùng một số khách chơi lan thân thiết bàn luận về lan và thú chơi lan ngày nay. Đến với phong lan như một cái duyên và gắn bó với phong lan ngót nghét ba chục năm, anh Sơn coi phong lan vừa là thú chơi nhưng cũng là nghiệp của cả cuộc đời. Vốn là cán bộ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, anh Sơn có điều kiện đi khắp trong Nam ngoài Bắc, nhất là những tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Mỗi nơi anh đi qua, mỗi vùng đất anh đến, vẻ đẹp của phong lan trong những cánh rừng đại ngàn luôn quyến rũ tâm hồn anh. Sau mỗi đợt công tác, món quà anh mang về là những giò lan rừng lộng lẫy. “Thời điểm đó, thấy loại nào đẹp là tôi mang về chơi mặc dù chẳng biết đó là loại lan gì. Sách vở không nhiều, người chơi thì ít nên việc chơi lan phần nhiều do kinh nghiệm bản thân tích lũy được”, anh Sơn nhớ lại thời mới biết, mới yêu phong lan. Tình yêu đối với phong lan của anh Sơn cứ lớn dần trở thành niềm đam mê mãnh liệt. Sau gần 30 năm gắn bó với phong lan, tình yêu của anh Sơn được đền đáp bằng một vườn lan rừng lớn nhất nhì Hải Dương với hàng nghìn giò lan đủ các loại. Từ thú chơi, phong lan trở thành nghề nuôi sống gia đình anh. Theo anh Sơn, phong lan là loài hoa đòi hỏi người chơi phải có đam mê và sự kiên trì, bền bỉ. Chỉ có đam mê, người chơi mới có thể hiểu và cảm được vẻ đẹp hoang dã nhưng cũng rất vương giả của loài hoa này. "Người không hiểu lan mà chơi lan sẽ khiến lan héo dần rồi chết hoặc sống quặt quẹo mà chẳng bao giờ trổ hoa. Có lẽ cây lan cũng cảm nhận được hơi ấm của đôi bàn tay, cái nồng nàn, tình cảm chứa chan trong ánh mắt của người chơi nên trổ hết những gì tinh túy ra từng cánh hoa để báo đáp”, một khách mua lan tại đây góp chuyện.
Hiện nay, giới chơi lan chuyên nghiệp hướng đến những loài lan đột biến tự nhiên do sự độc, lạ về hình dáng, màu sắc cánh hoa và hương thơm đặc trưng quyến rũ
Phong lan không chỉ thu hút người chơi bằng vẻ đẹp của sắc hoa với hình dáng độc đáo và hương thơm quyến rũ từ đại ngàn, phong lan còn mê hoặc người chơi bằng những triết lý sâu xa ẩn sau mỗi giò hoa. Người xưa từng nói "Chơi cá dưỡng tâm, chơi chim dưỡng chí, chơi cây dưỡng thần" nhắc nhở người chơi luôn để cái tâm, cái chí, cái thần của mình ổn định, tĩnh tại, có tinh thần vượt khó vươn lên, xây dựng cho mình một phong thái, cốt cách cao đẹp. "Còn gì vui hơn khi giò lan rừng khô khốc, trơ trụi, trải qua bao mưa dập, gió vùi bỗng một ngày bật lên những bông hoa rực rỡ, tinh khiết. Ngắm thành quả sau bao ngày tháng vất vả, tâm hồn con người trở nên thư thái lạ thường. Bao nhiêu âu lo về nhân sinh thế sự bỗng vụt biến mất, nhường chỗ cho cái đẹp ngự trị trong tâm hồn", anh Nguyễn Văn Cường, một người chơi lan ở xã Hồng Quang (Thanh Miện) tâm sự. Cũng theo anh Cường, chơi lan là để rèn giũa cho người chơi tính kiên trì, sự nhẫn nại. Chăm lan giúp chúng ta hiểu hết câu nói của người xưa: "Dục tốc bất đạt". Nếu chỉ vì muốn cây chóng lớn, sớm trổ hoa mà chăm sóc kỹ càng quá, không sớm thì muộn cây cũng phát bệnh mà chết.
Để chơi được phong lan, người chơi cần có một không gian đủ nắng, gió và độ ẩm cần thiết. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu điều này. "Nhiều người mua hoặc được tặng vài giò lan quý nhưng chỉ được một thời gian rồi lan cứ héo dần, chết hoặc không trổ hoa. Đó là do người chơi chưa thực sự để tâm, chưa hiểu được cây phong lan cần gì để phát triển. Mặc dù phong lan là loài có sức sống mãnh liệt nhưng nếu đặt vào môi trường không phù hợp thì cây không thể phát tiết hết vẻ đẹp vốn có", anh Sơn chia sẻ. Việc thiếu nắng hoặc thừa nắng, không đủ ẩm hoặc thừa ẩm làm cho cây lan kém phát triển, khó trổ hoa. Riêng cái tên phong lan đã nói lên tầm quan trọng đặc biệt của gió đối với sự phát triển của loài hoa này. Vì thế, có một không gian vừa đủ để chơi lan quyết định một phần đến thành công khi chinh phục loài hoa vương giả này.
Đắt đỏ
Phi điệp Lâm Hải 2 có giá bán lên tới vài triệu đồng/mầm
Mặc dù câu nói "Vua chơi lan, quan chơi trà" không còn đúng tuyệt đối trong hoàn cảnh hiện nay nhưng giới chơi lan truyền tai nhau câu chuyện về những giò lan với cái giá không phải ai cũng dám nghĩ đến. Hiện nay, phong trào chơi lan đang chia làm 2 trường phái: bình dân và cao cấp. Người theo trường phái bình dân thường chọn những loại lan giá thành hợp lý, dễ chăm sóc như đai châu, quế, cáo, tam bảo sắc, phi điệp... Hiện nay, giới chơi lan chuyên nghiệp hướng đến những loài lan đột biến tự nhiên do sự độc, lạ về hình dáng, màu sắc cánh hoa và hương thơm đặc trưng vô cùng quyến rũ. Cả nghìn người chơi may ra mới có một người sở hữu một giò lan đột biến. Để sở hữu nó, người chơi phải thực sự có duyên với hoa lan. Hiện tại, anh Sơn, chủ vườn lan Lâm Hải đang sở hữu 6 loài phi điệp đột biến được đặt tên từ Lâm Hải 1 đến Lâm Hải 6. "Đầu năm 2016, tôi đặt mua lan phi điệp từ nước bạn Lào, số lượng vài kg. Mang lan về, tôi trồng, chăm sóc bình thường như bao lần khác mà chẳng hy vọng sở hữu một giò hoa đặc biệt. Sau khi cây trổ bông, tôi phát hiện trong nhóm này một giò lan có cánh hoa phớt hồng rất đặc biệt. Tôi biết đây là giò lan đột biến chưa từng xuất hiện trong tự nhiên. Loài lan này tôi đặt tên là Hồng Lâm Hải 1. Hiện tại, chưa tới chục người trong cả nước sở hữu giống lan này do việc nhân giống khó khăn và giá bán không hề rẻ", anh Sơn chia sẻ. Việc sở hữu giống Lâm Hải 2 cũng làm cho anh Sơn thích thú. Đầu năm 2016, qua giới thiệu của một người quen, anh Sơn quyết định mua một khóm phi điệp Hòa Bình. Nhìn qua ảnh, anh Sơn cũng không thể xác định được khóm hoa này thuộc loại nào. "Bằng trực giác và kinh nghiệm mấy chục năm chơi lan, nhìn nụ hoa tôi đoán đây là loài phi điệp 5 cánh trắng đẹp nên quyết định mua. Sau khi hoa nở, đúng như dự đoán của tôi, đây là loài phi điệp 5 cánh trắng. Tuy nhiên, đây là loài phi điệp đột biến chưa hoàn toàn nên lưỡi hoa có màu khác so với các cánh còn lại. Loài này tôi đặt tên là Lâm Hải 2", anh Sơn kể.
Theo lời anh Sơn, giới chơi lan hiện nay tìm đến những loài lan độc, lạ về cả hình dáng và màu sắc hoa. Để sở hữu một giò lan đột biến, người chơi sẵn sàng chi tiền triệu cho mỗi cm mầm hoa. Vì vậy, một mầm hoa có giá lên tới vài chục triệu đồng là chuyện bình thường. Theo tiết lộ của nhiều người chơi lan, một số loại lan đột biến hiện được người chơi săn lùng có giá cao ngất ngưởng là Hồng Á hậu, Hồng Cái bang... Mỗi mầm hoa loại này có giá vài chục triệu đồng. Đơn giản như phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ cũng có giá 500.000 đồng/cm hay Lâm Hải 1, Lâm Hải 2 cũng được bán với giá vài triệu đồng 1 mầm. Lý giải về sự đắt đỏ của lan đột biến tự nhiên, anh Sơn cho biết tỷ lệ lan đột biến tự nhiên rất thấp lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhiệt độ, các yếu tố hóa học, vật lý... Lan đột biến thường có màu sắc, hình dáng độc đáo, cân đối, hài hòa với mùi thơm đặc trưng của lan rừng nên được nhiều người săn lùng. Việc sở hữu một giò lan đột biến cũng thể hiện đẳng cấp của người chơi và được giới chơi lan kiêng nể.
VỊ THỦY