Trong các dữ liệu được tìm kiếm, đội tuyển Việt Nam mới chỉ có 2 trận làm khách tại xứ Mặt Trời mọc và chúng ta đều phải ra về trắng tay.
Thua một đối thủ như Nhật Bản không có gì là ngạc nhiên, dù trước đây có những câu chuyện thêu dệt rằng họ từng cắp tráp học Việt Nam, để rồi bây giờ con rồng nhỏ đã hóa thành con… rồng lớn của châu Á.
Lại kể chuyện cũ, năm 2011, Nhật Bản mời Việt Nam sang thi đấu giao hữu. Thời điểm đó, huấn luyện viên Falko Goezt cầm sa bàn ở đội tuyển Việt Nam. 11 năm đã trôi qua, đội tuyển Việt Nam vẫn còn 2 chứng nhân cho trận thua 0-1 tại Kobe là Tấn Trường và Trọng Hoàng. Bằng mối quan hệ thân tín của VFF, đội tuyển Việt Nam đã có cơ hội so giày với một đội bóng hàng đầu châu Á theo dạng khách mời đặc biệt. Khi ấy, không nhiều người nghĩ Nhật Bản lại có thể mời một đội tuyển có vị trí khá thấp trên bảng xếp hạng FIFA như Việt Nam sang thi đấu giao hữu.
8 năm sau cuộc so giày ấy, đội tuyển Việt Nam mới có dịp gặp lại Nhật Bản tại Asian Cup 2019. Hẳn Nhật Bản cũng không ngờ, sau 8 năm, đối thủ của họ lại có những bước tiến dài như thế. Thậm chí, nếu may mắn hơn một chút, Công Phượng và đồng đội đã có thể kéo người Nhật đến hiệp phụ và cả trên chấm luân lưu 11m. Thẳng thắn mà nói, bóng đá Việt Nam chưa thể xếp ngồi “chung mâm” với Nhật Bản. Chúng ta cũng không thể huyễn hoặc hay sống bằng lối tư duy “AQ” rằng, đối thủ không còn đáng sợ như trước.
Thực tế, bóng đá Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách đáng kể với cường quốc bóng đá hàng đầu châu Á. Thực tế, người Nhật đã nhìn chúng ta với con mắt rất khác. Từ trận đấu đầy vất vả ở lượt đi vòng loại cuối World Cup 2022 trên sân Mỹ Đình ít nhiều cho thấy, thầy trò huấn luyện viên Moriyasu rất tôn trọng và thận trọng trước đội tuyển Việt Nam.
Sau 11 năm làm khách trước Nhật Bản, vị thế của bóng đá Việt Nam hiện tại đã khác. Để có vị thế ấy là nỗ lực rất đáng hãnh diện của một nền bóng đá, của thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo. Vậy thì chẳng có lý do gì chúng ta lại không chơi cho “biết đá biết vàng”.
Theo Bondaplus