Kính trọng, biết ơn tổ tiên là truyền thống văn hóa tốt đẹp ngàn đời, đã bén rễ ăn sâu vào trong tâm thức của mỗi người dân nước Việt.
Học sinh Trường THCS Thạch Khôi dâng hương, tìm hiểu lịch sử tại đình Lễ Quán
Ngày nay, truyền thống ấy vẫn tiếp tục được gìn giữ, phát huy và trao truyền cho các thế hệ trẻ.
Đúng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10.3 âm lịch) năm nay, một nhóm học sinh Trường THCS Thạch Khôi (TP Hải Dương) được nhà trường cho đi tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử tại đình Lễ Quán trên địa bàn. Đây là di tích hiếm hoi ở Hải Dương thờ An Dương Vương-vị vua lập nên nước Âu Lạc, tiếp nối nhà nước Văn Lang. Tại đây, các em được tìm hiểu về lịch sử xây dựng, kiến trúc, nhân vật thờ phụng, lễ hội truyền thống, nghe thầy giáo và các cụ cao niên kể về lịch sử của dân tộc Việt Nam từ thời dựng nước...
Hầu hết học sinh đều tỏ ra rất hứng khởi. Em Nguyễn Thị Lan Hương, lớp 9B chia sẻ: "Hoạt động này rất bổ ích với chúng em. Em đã hiểu hơn về cội nguồn dân tộc cũng như công lao dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân. Chúng em rất tự hào và tự nhủ học tập thật tốt để mai này góp sức xây dựng quê hương".
Anh Bùi Mạnh Ngọc, giáo viên Trường THCS Thạch Khôi khẳng định việc tổ chức cho học sinh tham quan các điểm di tích tại địa phương là một trong những hình thức giáo dục cội nguồn, truyền thống yêu nước hiệu quả nhất, tạo hứng thú cho các em học môn lịch sử. Hai năm qua do dịch Covid-19 nên nhà trường phải tạm dừng hoạt động này. Hiện nay, để bảo đảm an toàn phòng chống dịch nhà trường chia học sinh ra thành các nhóm nhỏ đi tham quan.
Hải Dương có hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có khoảng 100 ngôi đình, đền, chùa, miếu thờ hoặc kết hợp thờ các nhân vật thời Hùng Vương. Tuy kiến trúc, niên đại, giá trị mỗi di tích có khác nhau song đều minh chứng cho cội nguồn, góp phần thể hiện sinh động lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm tại các di tích để tìm hiểu về lịch sử dân tộc.
Trước kia, nhiều lễ hội gắn với di tích tại các địa phương trong tỉnh diễn ra sôi động, lôi cuốn đông đảo nhân dân địa phương và du khách tham dự. Những người con xa quê hào hứng về quê không chỉ tham gia lễ hội, được gặp gỡ gia đình, người thân mà còn bày tỏ lòng thành kính, muốn con cái của mình hiểu về nguồn cội, biết ơn công lao của các bậc tiền bối, tổ tiên.
Thư viện nhiều trường học trong tỉnh đã được đầu tư xây dựng sạch đẹp, trang bị nhiều đầu sách, trong đó có nhiều sách về lịch sử giúp các em học sinh hiểu sâu hơn cội nguồn, truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Nhiều cuộc thi, giao lưu tìm hiểu lịch sử được tổ chức hằng năm đã bồi đắp thêm lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và vượt khó vươn lên cho học sinh.
Năm 2019, Trường Tiểu học Quang Trung (Tứ Kỳ) đã xây dựng Thư viện lịch sử phục vụ học sinh và nhân dân miễn phí. Điểm nổi bật của thư viện này là có hàng trăm cuốn sách lịch sử viết về thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, hầu hết dưới dạng truyện tranh nhằm tạo sự lôi cuốn đối với học sinh. Trên tường thư viện, nhà trường còn cho vẽ các bức họa về lịch sử qua các thời kỳ, trong đó thời Hùng Vương có Vua Hùng, lễ hội Đền Hùng, bánh chưng, bánh dày…
Bảo tàng tỉnh trong những năm gần đây chú trọng tổ chức các chương trình tham quan, hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử, văn hóa cho học sinh. Bên cạnh các trò chơi dân gian đặc sắc, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, bảo tàng đã dày công sưu tầm các hiện vật, hình ảnh chụp một số di tích lịch sử tiêu biểu thờ Vua Hùng và các nhân vật thời Hùng Vương trên đất Hải Dương để giới thiệu cho khách tham quan...
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu từng căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" hay "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Những lời căn dặn của Người như lời nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau phải tích cực học tập, trau dồi kiến thức về lịch sử, từ đó khơi dậy ý thức dân tộc, cội nguồn, tự hào, đoàn kết, quyết tâm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
"Chim có tổ, người có tông", "Cây có cội, nước có nguồn" là những câu tục ngữ được người dân nước Việt truyền từ đời này sang đời khác. Hai câu tục ngữ tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa cả biển trời sự trân trọng, khắc ghi và biết ơn tổ tiên, cội nguồn. Truyền thống ấy như suối nguồn chảy mãi không ngừng, chắc chắn sẽ được các thế hệ hôm nay và mai sau gìn giữ, phát huy.
BÌNH MINH