Giáo dục

Cho trường quốc tế vay 2,6 tỷ, phụ huynh ròng rã đòi nợ suốt 2 năm

Theo Vietnamnet 25/09/2023 09:01

Một “cựu phụ huynh” của Trường THPT Quốc tế Mỹ hiện sống tại quận 3, TP Hồ Chí Minh chia sẻ gia đình ông đã chính thức nộp đơn kiện.

Trong những ngày qua, sự việc một số phụ huynh tập trung trước cổng Trường THPT Quốc tế Mỹ tại Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, mang theo băng rôn có nội dung yêu cầu bà Nguyễn Thị Út Em - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường, trả nợ đã gây chú ý của dư luận. Đây là một trong những ngôi trường có học phí cao nhất tại TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Cho vay 120.000 USD mới đòi được 1/4

Nhân sự việc này, phụ huynh H. (đề nghị được giấu tên) hiện sống tại quận 3, TP Hồ Chí Minh cho biết cách đây 8 năm, ngày 9/7/2015, Trường THPT Quốc tế Mỹ (thường được biết đến là Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam - AISVN) đã ký hợp đồng vay vốn với gia đình ông.

Hợp đồng này do vợ ông đứng ra làm đại diện với số tiền vay là 2.619.600.000 đồng (tương đương 120.000 USD). Toàn bộ số tiền đã được trường thu bằng phiếu thu ngày 6/7/2015. Đồng thời hai bên có ký phụ lục hợp đồng cùng ngày 9/7/2015 về việc thỏa thuận trường sẽ hoàn trả cho phụ huynh số tiền theo mức trượt giá, theo đó lấy tỷ giá đô la Mỹ làm chuẩn.

Việc gia đình đồng ý ký hợp đồng cho trường vay không lãi là để con của ông H. (sinh năm 2003) được theo học không phải đóng học phí trong suốt các năm học tại trường và trường và sẽ hoàn trả lại số tiền này trong vòng 30 ngày sau khi học sinh tốt nghiệp.

Phụ huynh căng băng rôn "đòi nợ" trước cổng trường ngày 21/9 vừa qua (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Theo ông H., ngày 30/5/2021, con của ông đã hoàn thành khóa học và được trường tổ chức lễ tốt nghiệp. Sau đó, gia đình đã hoàn tất mọi thủ tục, nghĩa vụ có liên quan, đồng thời yêu cầu hoàn trả đủ số tiền đã cho trường vay theo đúng thỏa thuận đã ký.

Sau rất nhiều lần yêu cầu được hoàn trả tiền, đến ngày 17/11/2021, trường mới ra văn bản có nội dung cam kết hoàn trả gói đầu tư, với thời hạn hoàn trả bắt đầu từ ngày 10/12/2021. Tuy nhiên, mãi đến ngày 12/5/2022, gia đình ông mới nhận được 658.417.000 đồng (tương đương 30.000 USD).

“Như vậy, tính tới ngày 14/8/2023, trường vẫn còn nợ chúng tôi 2.070.000.000 đồng (tương đương 90.000 USD, tỷ giá 23.000đ/1USD) và tiền lãi và phạt là 626.175.000 đồng, tổng cộng là 2.696.175.000 đồng”.

Vị này cho biết hiện có rất nhiều phụ huynh cũng đang rơi vào trường hợp không được trường hoàn trả hoặc hoàn trả không đầy đủ như gia đình ông.

“Tôi được biết nhiều người bức xúc đã kéo đến trường và một số khác điện thoại trực tiếp cho Chủ tịch Hội đồng quản trị trường là bà Nguyễn Thị Út Em, kéo cả đến nhà bà này ở quận 7 để đòi nợ. Thậm chí có những người từng dọa chặn xe đưa đón học sinh của trường để gây áp lực".

Về phía mình, ông H. cho biết ngày 9/9/2022, gia đình ông đã chính thức khởi kiện trường và ngày 17/11/2022 đã nhận được thông báo thụ lý của tòa án quận 12. Tuy nhiên, phía bị đơn không hợp tác nên gần một năm qua, ông vẫn chưa được gặp, làm việc với bị đơn.

Thông báo thụ lý vụ án của Tòa án Nhân dân quận 12, TP Hồ Chí Minh (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Những lo lắng của phụ huynh

Cũng theo ông H., ở thời điểm hiện tại, ông có một số vấn đề lo lắng, băn khoăn.

"Trường vay vốn của rất nhiều phụ huynh nhưng tại sao có phụ huynh được trả đủ, có người chỉ trả một phần? Vậy khả năng hoàn trả của trường như thế nào để bảo đảm công bằng và tuân thủ pháp luật nhằm tránh khiếu kiện, hay đòi nợ “kiểu xã hội đen” gây mất an ninh, trật tự xã hội?

Một vấn đề nữa là trong tâm thư bà Út Em gửi cho giáo viên, công nhân viên nhà trường có nêu rõ tình hình tài chính rất khó khăn. Như vậy, liệu chất lượng giáo viên có bảo đảm chất lượng giảng dạy?".

Vị này cũng nhận định việc trường chậm hoàn trả tiền vay tiềm ẩn nguy cơ phụ huynh đến trường đòi nợ gây mất trật tự, làm xáo trộn hoạt động của trường như những ngày qua sẽ làm ảnh hưởng đến việc dạy và học và có thể còn lan rộng ra cả khu vực lân cận.

Chiều 22/9, đại diện AISVN đã lên tiếng về việc bị phụ huynh tập trung, căng băng rôn đòi nợ trước cổng trường vào sáng 21/9.

Theo nhà trường, “khoản nợ học phí” được nhắc đến thực chất là số tiền đầu tư giáo dục nhà trường ký kết với phụ huynh thông qua hợp đồng đầu tư giáo dục và sẽ được hoàn trả lại sau 5-15 năm học sinh theo học tại trường.

Trước đây, nhà trường cung cấp chương trình đào tạo chính khóa miễn phí cho học sinh và hoàn trả số tiền đầu tư giáo dục đúng hạn. Tuy nhiên, thời gian sau này, trường gặp nhiều khó khăn nên chậm trễ trong việc hoàn trả cũng như chưa có kênh thông tin trao đổi kịp thời đến phụ huynh.

Theo thông báo của bà Nguyễn Thị Út Em, AISVN đang đẩy mạnh việc tiến hành tái cơ cấu toàn bộ hoạt động tài chính nhằm bảo đảm được hai mục tiêu, bảo đảm chất lượng giảng dạy và ổn định tài chính lâu dài.

Trường đưa ra 5 bước cụ thể để giải quyết vấn đề. Đó là: Trường đang chờ báo cáo đánh giá kiểm toán độc lập của bên thứ ba để làm cơ sở cho việc đàm phán với các tổ chức tài chính, tái cấu trúc lại toàn bộ các khoản nợ. Dự kiến việc tái cơ cấu sẽ được hoàn tất chậm nhất trong quý 1/2024; xây dựng các phương án, cơ chế giải quyết công nợ và thực hiện nghĩa vụ tài chính, hoàn tất việc hoàn trả gói đầu tư giáo dục cho phụ huynh với phương thức trả dần sau khi tái cấu trúc; thiết lập quy trình tiếp nhận thông tin, trao đổi thương lượng với phụ huynh và đảm bảo việc học tập giảng, dạy cho giáo viên và học sinh.

“Chúng tôi sẽ chủ động liên hệ, thương lượng và đối thoại trực tiếp đối với từng phụ huynh để giải quyết cụ thể và có kết quả” - thông báo nêu rõ.

Nhà trường cũng sẽ thành lập một bộ phận chuyên trách cho công tác giải quyết công nợ theo quy trình và các cơ chế đã được thiết lập. Ngoài ra, trong thời gian tới, các cơ quan ban ngành sẽ hỗ trợ kiểm tra để làm sáng tỏ tình trạng tài chính và hoạt động của nhà trường, kết quả kiểm tra sẽ được thông báo đến toàn thể phụ huynh.

Hiện AISVN có hơn 1.400 học sinh, hơn 200 giáo viên nước ngoài và Việt Nam cùng 300 nhân viên trong nước.

Theo Vietnamnet
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cho trường quốc tế vay 2,6 tỷ, phụ huynh ròng rã đòi nợ suốt 2 năm