Sự tự do, đầy đủ quá mức làm suy giảm sự hài lòng trong cuộc sống, thậm chí gia tăng trầm cảm, theo nhà tâm lý học Mỹ Barry Schwartz.
Đời sống xã hội tốt lên từng ngày, cuộc sống của trẻ em cũng được bảo đảm hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, mặt trái của nó là người ta bắt đầu không trân trọng những gì mình có. Trẻ em, dưới sự chiều chuộng của bố mẹ, dần dần trở nên không quý trọng thứ chúng được trang bị. Đồ chơi bị vất đi hay bị làm hư hỏng chỉ sau một vài lần chơi, quần áo nhiều đến mức có khi không mặc tới...
Một bà mẹ kể câu chuyện của mình: nhà không có điều kiện kinh tế nên cô ít mua đồ chơi cho con. Một lần, con trai cô được mẹ mua cho một chiếc ôtô, nó coi chiếc xe như báu vật, đi ngủ cũng mang theo bên gối.
Một hôm, mẹ đưa cậu bé đến nhà bạn chơi, một gia đình có điều kiện nên con của họ có rất nhiều xe, cô nghĩ con trai chắc sẽ thích mê. Nhưng sự thực không phải thế. Cậu bé ban đầu vồ lấy chiếc xe cứu hỏa, nhưng nhanh chóng sau đó lại quay sang chiếc xe đua, rồi cuối cùng là tranh giành chiếc xe cứu thương với bạn, hai đứa lao vào đánh nhau và khóc lóc. Khi mẹ nhắc nhở vì sao lại tranh giành với bạn, rất nhiều đồ chơi như vậy không đủ hay sao, thằng bé òa khóc. Bà mẹ nhận ra: nhiều món đồ chơi như vậy khiến cho nó bị phân tâm, nó cũng không biết thực sự mình thích gì.
Rõ ràng, khi có quá nhiều sự lựa chọn, trẻ khó có được 100% niềm yêu thích và hạnh phúc. Ngược lại, nếu đứa trẻ không phải chọn lựa quá nhiều, chỉ cần có một hoặc hai đồ chơi, nó có thể chơi món đồ đó với tất cả niềm yêu thích bản năng. Những đứa trẻ chỉ có một, hay hai món đồ chơi sẽ luôn nhớ về món đồ đó suốt thời thơ ấu, thậm chí là cả đời.
Ảnh: raisingchildren.net |
Bạn cho con càng nhiều lựa chọn, sự tập trung của bé càng thấp
Một nhà tâm lý học thử nghiệm một thí nghiệm như sau: Ông chia ngẫu nhiên một nhóm trẻ thành hai nhóm để vẽ. Nhóm đầu tiên có thể chọn một trong 3 cây cọ vẽ, và nhóm còn lại có thể chọn một trong 24 cây cọ vẽ. Kết quả là, các tác phẩm của nhóm trẻ đầu tốt hơn nhiều so với kết quả của nhóm trẻ hai, các bức tranh của nhóm một màu sắc rõ rệt, thể hiện tốt khả năng sáng tạo của trẻ.
Sau đó, các nhà nghiên cứu yêu cầu trẻ sử dụng cây bút chúng đã dùng để tặng người khác, kết quả là nhóm trẻ thứ hai sẵn lòng tặng bút hơn nhóm trẻ thứ nhất.
Lý giải của các nhà tâm lý, khi trẻ phải đối mặt với nhiều lựa chọn, nó bị bối rối và do dự, trẻ không biết những gì chúng muốn và không trân trọng thứ chúng có. Sở hữu quá nhiều cũng khiến trẻ phát triển thói quen mất tập trung, dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn, và điều này hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển trong tương lai của bé.
Vậy cung cấp cho trẻ những lựa chọn như thế nào là đủ?
1. Ở khía cạnh vật chất: cần làm cho sự lựa chọn của trẻ ít đi, nhưng mỗi lựa chọn đều tốt về chất lượng
Các học giả ở Virginia, Mỹ tin rằng trẻ em chỉ nên được cung cấp khoảng 5 đồ chơi. Trong phạm vi giới hạn đó, trẻ sẽ tập trung vào đồ chơi mà bé thích, từ đó liên tục nghiên cứu, suy nghĩ, tạo ra nhiều cách chơi khác nhau, giá trị đồ chơi cũng sẽ được tối đa hóa.
Việc của cha mẹ là chọn lựa những đồ chơi phù hợp, ví dụ đồ chơi lắp ráp (các khối rubic, các hình lego... ) kiểu dáng đơn giản, có thể giúp trẻ phát huy sáng tạo. Bạn cũng có thể mua các đồ chơi thể thao (bóng đá, bóng ném, xe đẩy), giúp thúc đẩy sự phát triển vận động của trẻ, hoặc các loại đồ chơi liên quan đến hội họa (bút vẽ), thời trang (búp bê), âm nhạc (Trống, piano đồ chơi... ).
Con chỉ nên có tối đa 3 đôi giày, 5 bộ quần áo trong mỗi mùa
Các nhà tâm lý học Nhật Bản cho rằng trẻ em trên 4 tuổi cần không quá 5 bộ quần áo, 3 đôi giày, một chiếc mũ cho mỗi mùa. Quần áo và giày dép quá nhiều có thể khiến bé gặp khó khăn trong việc lựa chọn và định hình riêng về màu sắc, thẩm mỹ. Hẳn nhiên, trong một số trường hợp, ví dụ trẻ còn quá nhỏ dễ làm bẩn quần áo, số lượng đồ có thể thay đổi theo nhu cầu, nhưng quan trọng là có số lượng giới hạn và chất lượng tương đối.
Ngoài đồ chơi, quần áo, cha mẹ cũng cần vạch ra nguyên tắc rõ ràng trong việc mua sắm cho con. Khi sắm sửa cho con bất cứ thứ gì, cần nghĩ đến việc sử dụng tối đa, hiệu quả nhất giá trị của món đồ, nhằm mang lại nhiều nhất niềm hạnh phúc, sự hài lòng cho trẻ.
2. Ở khía cạnh học tập: Đừng tham lam ép con học quá nhiều các lớp học
Nhiều bậc cha mẹ mong muốn con đạt kết quả tốt ở mọi môn học chính khóa lẫn ngoại khóa, thậm chí ép con học cả piano, khiêu vũ, vẽ, võ thuật... Tuy nhiên, năng lượng của trẻ cũng chỉ có hạn, việc ép con đến quá nhiều lớp học có thể khiến bé mất đi sự tập trung, khiến kết quả học tập không cao. Chỉ nên cho con tham gia một, hoặc hai lớp học ngoại khóa con thích thú mà thôi.
3. Giảm tối đa những chọn lựa vật chất, tăng các tương tác chất lượng
Quan trọng với đứa trẻ không phải là vật chất dồi dào: đồ chơi đẹp, quần áo sành điệu... Việc đồng hành cùng con cái trong sự phát triển của chúng đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với việc cung cấp cho con một đời sống vật chất đầy đủ.
Phương pháp giáo dục mầm non Montessori tin rằng mỗi trẻ là một "phôi thai tinh thần", tức là từ khi sinh ra tới khi trưởng thành, trẻ không ngừng phát triển nhờ những nhận thức thông qua tương tác với thế giới xung quanh. Trẻ giống miếng bọt biển, không ngừng hấp thụ mọi thứ mà môi trường mang lại. Trong quá trình đó, cha mẹ là cầu nối kết nối con với thế giới, cách thức cũng như chất lượng của sự đồng hành của cha mẹ sẽ quyết định nhân cách con cái.
Theo VnExpress