Minh họa: Văn Hà
Giữa trưa, tôi vừa đặt lưng xuống hai cái ghế kê trong phòng làm việc, bỗng nghe tiếng gõ cửa. Tôi ngó ra.
- Tưởng ai. Đi đâu vào qua, hay có việc gì đến vào giờ này.
Đạt nhìn tôi vẻ nghiêm nghị:
- Dĩ nhiên có việc mới đến - Rồi vừa bước vào, Đạt vừa giải thích - Cậy duyên có má đào, xã mới trao tôi trọng trách lên cầu cứu nhà báo.
Nghe Đạt nói vẻ khách khí, tôi vội ngắt lời:
- Có gì mà rào đón thế. Chỗ tôi với ông hay dở, phải trái cứ nói thẳng ra? Hay cái bài hôm nọ tôi viết về hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã ông có chỗ nào sai à?
Đạt nói ngay:
- Bài ông viết còn chưa hết việc đã làm, sai thế nào được.
Tôi thực chưa hiểu Đạt đến đường đột là vì lẽ gì, vội nói:
- Nhà báo chúng tôi chỉ viết ra một phần tài liệu, nên chưa hết những việc đã làm là phải thôi. Nhưng cái chính là có viết đúng và trúng vấn đề đời sống đang đặt ra hay không thôi.
Đạt vội tiếp lời, như giãi bày tâm trạng đang có gì uất ức:
- Đúng và trúng thì rõ rồi. Nhưng cũng phức tạp lắm ông ạ.
Tôi với Đạt quen thân nhau đã lâu. Hồi ấy, Đạt là bí thư đoàn xã được đánh giá có năng lực vào loại nhất nhì huyện, còn tôi là phóng viên nông nghiệp, hay có dịp về huyện nắm tình hình. Bấy giờ Đạt mới lấy vợ. Nói trộm vía, Liên, vợ Đạt, chưa học hết lớp chín, nhưng nhan sắc có lẽ hoa hậu còn "xách dép" cho cô. Liên có dáng người thắt đáy lưng ong, cao, nhỏ nhắn, lại có đôi chân dài và đôi tay cũng dài, mỗi khi đi hai tay vung vẩy cứ như múa. Năm Liên học lớp chín, đoàn chèo tỉnh về tuyển diễn viên, Liên đỗ đầu bảng. Thế là bỏ học, vào đoàn chèo, phấn đấu tốt chỉ sáu tháng là biên chế. Nhưng Liên không phấn đấu, hay Liên dễ tin, tưởng ai cũng thẳng ruột ngựa như người chân quê, nên bước sang tháng thứ năm thì Liên bị đuổi khỏi đoàn, vì có mang hơn ba tháng với tay phó đoàn kiêm đạo diễn đã về tận xã tuyển diễn viên. Buồn bực và xấu hổ, Liên không dám về làng, tá túc nhà người quen trên phố. Cứ như cái số vận vào, vừa gặp ở nhà người quen, Đạt ngay lập tức đưa Liên vào tầm ngắm, bất chấp bà chị họ nói vỗ trước mặt hai người, mày trai tân, lấy đâu chẳng được vợ, Liên nó chửa rồi đấy. Mặc. Hai người đưa nhau về quê, sống đề huề trong căn nhà mới làm trên mảnh đất cạnh đường cái. Đạt giờ là Thường trực Đảng uỷ xã. Còn Liên mở cửa hàng đại lý bán giống rau và thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phân đạm.
- Đấy đấy, chỉ vì mấy cái thứ trừ sâu, diệt cỏ ấy mà tôi phải lên gõ cửa ông giữa trưa nắng thế này.
Đạt uống một hơi hết cốc nước. Tôi đón cái cốc anh đưa, trong lòng thấy ngờ ngợ về lời Đạt nói. Cái cửa hàng bán giống rau và thuốc trừ sâu, diệt cỏ của Liên cớ sao làm anh phải hộc tốc lên đây. Anh nói như phân bua:
- Hôm ấy họ đến giao hàng tôi đi vắng, mỗi nhà tôi ở nhà. Một lúc họ giao những mấy thứ, nội thuốc trừ sâu, diệt cỏ đã có hai, ba loại, lại còn thuốc diệt chuột, thuốc chống ghẻ cho chó, cho mèo cái nào cũng gói trong giấy bạc in chữ ta, chữ Tàu lòe loẹt. Hôm ấy nhà tôi lại bận. Đang cữ rầy nâu, cuốn lá tàn phá hoa màu, lúa má nên biết tin có thuốc mới về, bà con kéo đến mua đông lắm. Mà nhà tôi lại dễ tin người. Thế là...
Đạt nói đến đấy đột ngột dừng. Chưa hiểu "thế là..." nghĩa là sao. Có phải người giao hàng lợi dụng lúc đông khách, lừa vợ anh một vố, kiểu đếm cá mè cất một đè đôi. Chưa hẳn thế, vì tôi vừa nghe anh nói "nhà tôi lại dễ tin người", chẳng lẽ Liên lại có chuyện gì với tay giao hàng, na ná cái lần ngã vào lòng tay phó đoàn chèo. Sao lúc mới vào phòng tôi, Đạt lại bảo, mấy anh lãnh đạo xã bắt tôi phải lên ngay. Thế thì có gì cứ thẳng ruột ngựa ra xem nào. Nhưng giục là giục vậy chứ cũng lúc lâu, Đạt mới nhìn tôi dò xét:
- Thiệt hại thì đúng là nặng rồi. Mấy chục mẫu lúa sớm ở cánh đồng Vạc chết không còn một cây. Hình như đây là loại thuốc diệt cỏ mới đưa vào ta hay sao, nồng độ cao, độ huỷ diệt nhanh, nhưng mùi lại không nồng nặc như thuốc diệt cỏ thông thường. Thế mới dễ nhầm. Tôi nghĩ không chỉ vợ tôi, có khi cả cái người mang giao thuốc cũng nhầm ấy chứ.
Tôi vội hỏi:
- Thế có biết người giao thuốc nhà ở đâu không?
Tôi vừa dứt lời, Đạt bỗng ật người ra ghế:
- Biết, chứ sao không. Thế mới khó...
- Thế thì báo công an, chứ khó nỗi gì.
- Thế mà khó đấy, anh ạ.
Đạt ngắt lời tôi bằng giọng chán ngán. Giây lát lại đột ngột hỏi:
- Anh có biết người giao nhầm thuốc trừ sâu thành thuốc diệt cỏ cho vợ tôi là ai không? Thằng Hưng, con ông Sắc, Phó Chủ tịch UBND huyện tôi chứ ai. Nó làm ở công ty dịch vụ vật tư nông nghiệp.
Tôi như trút nỗi bực dọc:
- Con ông Sắc, chứ con ông giời đáng xử cũng phải xử theo luật lệ!
Nhưng Đạt lại nhìn tôi nói mà như cười:
- Mấy anh lãnh đạo xã thánh thật, lường trước vụ này đến tai nhà báo là gay to, nên bắt tôi phải tức tốc đến gặp anh là đúng quá rồi.
Thể nào, lúc mới đến Đạt nói thẳng là xã giao trọng trách anh đến là cậy duyên có má đào, chỗ quen thân giữa anh và tôi. Vậy ý mấy ông ở xã thế nào, cứ nói trắng ra đi? Tôi thấy sốt ruột, vội giục. Nhưng Đạt lại rề rà:
- Cũng không có gì lớn đâu, chỉ nhờ anh mỗi việc cỏn con, là hễ có đơn thư kiện cáo về vụ này thì anh tác động hộ để báo chí đừng làm ầm lên nữa.
Sao lại có sự dĩ hòa vi quý thế được. Bà con nông dân là người bị hại hàng mấy chục mẫu lúa, còn vợ anh là người bán cái thuốc ấy ra. Không biết rõ người tung thuốc giả ra thị trường thì thôi, chứ biết, sao lại bỏ qua dễ thế. Tôi nhìn Đạt tỏ bực dọc trước sự nín nhịn thái quá của anh, và cả mấy ông lãnh đạo xã anh nữa. Nhưng lại nghe anh chậm rãi bảo:
- Các cụ đã dạy, một điều nhịn là chín điều lành mà anh. Chỉ cần cái vụ nhầm lẫn này được bỏ qua, thằng Hưng không bị tai tiếng gì, thì không riêng nó, mà cả ông Sắc rồi cũng có sự cư xử với xã tôi khác đi đấy. "Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại" mà anh. Mười anh có tật thì chín anh hay giật mình. Thế mà đằng này có tật lại được người ta lờ đi cho, ai chứ ông Sắc Phó Chủ tịch huyện lại không hàm ơn mà ra tay giúp xã tôi mới là lạ. Thì anh đã thấy con ông lãnh đạo nào dính vào luật lệ mà bị xử thẳng cánh chưa, hay chỉ như "ném bùn sang ao". Mà không khéo chính người bị hại, người tố cáo có khi lại bị trù dập, thành kiến ấy chứ. Thế nên, ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn. Hễ có đơn từ kiện cáo đến toà báo, anh tìm cách dìm đi hộ, cho bọn tôi được yên, chứ dây vào cái đám con ông, cháu cha có khi đầu không phải lại phải tai, chứ đừng tưởng.
Chỗ thân tình, Đạt lận đận lên tận nơi nói thế mà không tìm cách giúp cho im đi, cũng là quá chấp. Sau hôm ấy, đi đâu thì đi, về đến cơ quan là tôi săn đón xem có đơn từ kiện cáo về vụ bán thuốc sâu ra thuốc diệt cỏ ở xã An Tiến không. Thực tình cũng có mấy cái đơn thư bạn đọc dưới ấy gửi lên phản ánh vụ việc, có đơn còn nói xưng xưng rằng, thằng con ông Sắc biết rõ không phải là thuốc trừ sâu, nhưng hám lợi, vẫn cố tình giao. Có thư còn nói trắng ra rằng, cả xã chỉ mỗi cửa hàng bà Liên, vợ ông Thường trực Đảng uỷ xã có loại thuốc ấy, chứ cửa hàng khác không đâu có. Khác nào buộc tội cho vợ Đạt thông đồng với con ông Phó Chủ tịch huyện lừa nông dân. Vậy thì đúng như Đạt nói, cậy duyên có má đào, chỗ thân tình với nhau bao nhiêu năm nay, giờ Đạt mới nhờ một việc trong tầm tay, tôi không thế để sơ sảy một mảy may. Chứ không, vụ này mà đưa lên báo thì đền được vạ má cũng sưng, cả vợ chồng Đạt và bố con ông Sắc đều mang tai mang tiếng ấy chứ.
Nhưng tôi có việc về quê mấy ngày. Sáng ấy đến cơ quan thấy bảng báo cổng tòa soạn đông nghịt người. Bỗng ruột nóng như lửa. Vội dựng xe ngó vào. Một dòng tít đậm đập vào mắt: "Một vụ bán thuốc trừ sâu gây thiệt hại lớn cho nông dân " do tổ phóng viên của báo về tận nơi điều tra phản ánh. Tôi cắm cúi đọc mà trán vã mồ hôi. Mặt nóng như lửa đốt, tôi chỉ muốn tìm cái lỗ nẻ nào dưới chân mà chui xuống, để lát nữa vào cơ quan không phải nhìn thấy những đồng nghiệp thẳng thắn và trung thực luôn hết mình vì tờ báo, vì bạn đọc, chứ không làm nô lệ cho bất cứ sự riêng tư nào như tôi.
Truyện ngắn củaCAO NĂM