Chở rau... về ruộng

15/05/2010 14:40

Không thể tin nổi, một nước nông nghiệp, xuất khẩu nông sản thuộc loạihàng đầu thế giới như Việt Nam mà một năm nhập khẩu hàng tỷ USD nôngsản, thực phẩm.

Xưa có câu “Chở củi về rừng”. Nay lại có câu “Chở rau về ruộng” rất hợp thời, hợp cảnh cho dù là nghịch cảnh. Không thể tin nổi, một nước nông nghiệp, xuất khẩu nông sản thuộc loại hàng đầu thế giới như Việt Nam mà một năm nhập khẩu hàng tỷ USD nông sản, thực phẩm. Thực trạng này đã và đang diễn ra từ lâu và chắc chắn chưa có hồi kết.

Một báo cáo chi tiết của Bộ Công Thương cho biết, riêng 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nông sản và thực phẩm chủ yếu lên tới 280 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoài. Trong đó mặt hàng tăng nhiều nhất là gạo tăng tới 152%, rau củ quả tăng 127%, dầu mỡ động thực vật tăng 96%, chế phẩm từ ngũ cốc, tinh bột và sữa tăng 99%, sản phẩm thịt cá, động vật tăng 79%. Riêng trong năm 2009, tổng kim ngạch nhập khẩu là hơn 1,5 tỷ USD, nếu kể cả nhập tiểu ngạch và nhập lậu thì còn cao hơn nữa. Bộ Công Thương phân tích rằng, thực phẩm nhập khẩu là “những mặt hàng không thiết yếu” và không khuyến khích nhập khẩu, đặc biệt là thịt và sản phẩm thịt, đồ uống, rau quả, bánh kẹo. Lý giải vì sao lượng nông sản và thực phẩm tăng mạnh trong những năm gần đây, Bộ Công Thương cho rằng, do mức sống của người dân ngày càng tăng, nhu cầu tiêu dùng cũng tăng theo.

Ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM người dân ngày càng ưa chuộng trái cây cao cấp nhập từ Mỹ, New Zealand, Úc… khẩu vị cũng trở nên sành hơn với các loại thịt bò, lợn và gia cầm nhập từ nước ngoài. Bảo rằng đó là những “mặt hàng không thiết yếu” chỉ đúng một phần, mà phải nói rằng năng lực sản xuất trong nước không thể chạy theo kịp nhu cầu tiêu dùng. Để kiềm chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu đó, Bộ Công Thương kiến nghị tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bằng nhiều hình thức, trong đó có việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật.

Đây là việc làm cấp bách. Trong năm 2009, do việc cắt giảm thuế đột ngột hoặc nhanh hơn lộ trình cam kết cũng như thiếu hàng rào kỹ thuật đã khiến thực phẩm nhập khẩu, nhất là thịt ngoại ồ ạt tràn vào nước ta. Ở biên giới phía Bắc, từ nông sản cho đến các loại nội tạng động vật đổ vào Việt Nam như… lũ đầu nguồn. Có thời điểm trung bình mỗi ngày có khoảng 400 tấn nông sản nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai hoặc cửa khẩu Tân Thanh mỗi ngày nhập 100-150 tấn nông sản. Sự chồng chéo về trách nhiệm quản lý đã tạo ra nhiều khe hở, lỗ hổng trong việc kiểm soát các nhòm hàng này. Có trường hợp Bộ này không cho nhập nhưng Bộ khác lại cho phép.

Tuy vậy, việc dựng hàng rào kỹ thuật thôi chưa đủ. Cần phải đặt câu hỏi: Vì sao người tiêu dùng lại “sính” nông sản, thực phẩm nhập ngoại mà không dùng “cây nhà lá vườn”. Ngoại trừ một số loại hoa quả của Trung Quốc không được ưa chuộng vì sợ tẩm thuốc bảo quản, còn lại các loại trái cây, sản phẩm thịt hoặc các loại thực phẩm ngoại vẫn áp đảo trên siêu thị, nhà hàng. Trong khi đó, rau quả nước ta mang tiếng là “bốn mùa” xanh tươi nhưng vẫn thiếu nguồn cung lúc trái vụ, chưa kể cái gọi là “rau sạch”, “thực phẩm an toàn” từ đồng ruộng, trang trại tới bàn ăn vẫn là nỗi ám ảnh có cơ sở của người tiêu dùng. Mất tiền mua người ta phải lựa chọn.

Nghịch cảnh “Chở rau về ruộng”, hàng năm nhập khẩu hàng tỷ USD nông sản, thực phẩm rõ ràng gây thiệt hại lớn cho nền nông nghiệp trong nước. Trực tiếp hàng triệu nông dân bị “thiệt đơn, thiệt kép”, trong khi bà con vẫn phải nai lưng lao động làm ra nông sản, thực phẩm mà chủ yếu chỉ xuất khẩu thô, giá trị thấp, sức cạnh tranh yếu.

(Theo ANTĐ)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chở rau... về ruộng