Giáo sư, tiến sĩ Trần Vân Khánh (sinh năm 1973, quê ở xã Nam Tân, Nam Sách, Hải Dương) là nữ giáo sư duy nhất của ngành y được công nhận trong năm nay.
“Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì những cố gắng của mình đã được hội đồng giáo sư các cấp ghi nhận. Đây là một cột mốc quan trọng để tôi tiếp tục phấn đấu trên con đường giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ người bệnh”. Đây là những cảm xúc ban đầu của giáo sư, tiến sĩ Trần Vân Khánh , Trưởng bộ môn Bệnh học phân tử, Khoa Kỹ thuật y học, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein, Trường Đại học Y Hà Nội khi đón nhận kết quả trên.
Sinh ra trong gia đình có cả bố và mẹ đều làm ngành y, ngay từ nhỏ, chị Vân Khánh cùng các anh chị em đã được nghe kể về những câu chuyện khám chữa bệnh cứu người. Chị hiểu rằng đây là nghề rất cao quý và quyết tâm theo nghề của bố mẹ, trở thành bác sĩ để tiếp nối truyền thống gia đình. “Hiện cả 5 anh chị em tôi đều là bác sĩ”, chị Vân Khánh thông tin.
Hướng nghiên cứu chính của chị Vân Khánh hiện nay là bệnh lý di truyền.
Chị Khánh nhớ lại, cách đây hơn 20 năm, chị bắt đầu bước chân vào lĩnh vực bệnh lý phân tử và bệnh di truyền. Thời điểm đó, đây là lĩnh vực còn rất mới ở Việt Nam, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, đội ngũ nhân lực chưa được đào tạo chuyên sâu và bài bản.
Chứng kiến những gia đình sinh con ra bị mắc các bệnh lý di truyền là động lực để chị tiếp tục bước đi trên con đường nghiên cứu khoa học, để giúp cuộc đời có thêm những em bé khỏe mạnh.
Năm 2000, chị sang Nhật Bản làm nghiên cứu sinh tại Khoa Y, Đại học Tổng hợp Kobe về đề tài “Cơ chế bệnh sinh và điều trị bệnh ở mức độ phân tử đối với bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne”. Đây là quãng thời gian khó khăn, vất vả nhất nhưng cũng giúp chị trưởng thành hơn rất nhiều trong lĩnh vực nghiên cứu mà mình theo đuổi.
Năm 2006, nhận bằng tiến sĩ về nước, chị tham gia ngay vào nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Gen - Protein, Đại học Y Hà Nội và tiến hành nghiên cứu về bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne.
Chị đã cùng đồng nghiệp thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu, ứng dụng về các bệnh lý phân tử và di truyền, lần lượt triển khai các kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao. Cơ sở dữ liệu của nhiều bệnh lý phân tử và di truyền ở các bệnh nhân Việt Nam đã được xác định.
“Chúng tôi thực hiện việc quản lý bệnh nhân, người mang gen gây bệnh, tư vấn di truyền, chẩn đoán trước sinh, chẩn đoán giúp nhiều gia đình sinh ra những em bé khoẻ mạnh, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh di truyền trong cộng đồng”, chị Vân Khánh cho biết. Điều này thực sự ý nghĩa với các bác sĩ, đặc biệt với gia đình người bệnh.
Làm nghiên cứu khoa học đã vất vả nhưng phụ nữ làm nghiên cứu khoa học còn vất vả hơn. Khó khăn nhất của chị cũng như các nhà khoa học nữ nói chung là làm thế nào để cân đối giữa công việc nghiên cứu và chăm sóc gia đình.
“Rất may đến thời điểm này tôi đã có một sự nghiệp khá thành công và một gia đình hạnh phúc. Để có được điều này, ngoài sự nỗ lực không ngừng của bản thân, tôi đã nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ rất nhiều từ gia đình, thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp”, chị Vân Khánh chia sẻ.
Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Vân Khánh đã vinh dự được nhận giải thưởng L’Oreal UNESCO cho nhà khoa học trẻ có công trình nghiên cứu xuất sắc năm 2011; Giải thưởng Kovalevskaia cho nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc năm 2017, được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 và nhiều bằng khen của Bộ Y tế.