Cho không cũng khó

26/06/2014 10:49

Các cơ quan chức năng vận động nông dân xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học nhưng họ vẫn chưa tích cực hưởng ứng.


Nông dân vẫn đốt rơm, rạ trên cánh đồng sau khi thu hoạch


Vụ xuân này, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) đã sản xuất được 5 tấn chế phẩm xử lý rơm, rạ và đề nghị UBND tỉnh cấp miễn phí cho nông dân, nhưng đến nay vẫn chưa được quyết định.

Vẫn đốt rơm, rạ tràn lan


Thời điểm này, nhiều cánh đồng và tuyến đường của tỉnh Hải Dương đang bị ngột ngạt bởi khói đốt rơm, rạ tràn lan. Dọc các quốc lộ 38B đi huyện Thanh Miện, quốc lộ 37 đi huyện Ninh Giang, những đống rơm, rạ được người dân châm lửa đốt ngay trên mặt đường gây cản trở giao thông. Những ngày này, một số khu vực của TP Hải Dương chìm ngập trong khói rơm, rạ. Phường Việt Hòa có 194 ha lúa chiêm xuân, đến nay nông dân đã gặt được hơn 95% diện tích. Ông Trần Văn Biển, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: “Các hộ dân thu hoạch lúa xong chủ yếu thu gom rơm, rạ, rác thừa để đốt ngay tại ruộng. Năm 2011, nông dân nhiệt tình hưởng ứng dự án hỗ trợ 100% chế phẩm, lân và ni-lông nhưng năm nay phường chưa nhận được thông báo về việc xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học”. Trên quốc lộ 5 đoạn qua huyện Kim Thành, nhiều người dân sau khi phơi khô rơm, rạ cũng đốt ngay trên lề đường.

Khói đốt rơm, rạ không những gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều người dân. Anh Nguyễn Văn Hưng ở đường Nguyễn Thị Định, phường Hải Tân cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa gặt là khu dân cư của chúng tôi lại ngột ngạt vì khói đốt rơm, rạ. Chiều tối, tôi thường cho các con ra công viên nhưng vì khói mù đặc và có mùi rất khó chịu, tụi trẻ bị ho liên tục. Tôi không dám cho bọn trẻ ngoài nữa”. Việc đốt rơm, rạ tràn lan khiến cho bầu không khí bị ô nhiễm nặng một phần do ý thức người dân. Chính quyền địa phương chưa sát sao trong việc ngăn chặn, xử lý, chưa có biện pháp chế tài, xử phạt nào đối với hành vi đốt rơm, rạ. Theo kế hoạch khung về việc tổ chức xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch, những xã giáp với thành phố phải xử lý 100% lượng rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn. Nhưng từ năm 2011 đến nay, chưa xã nào thực hiện được triệt để.

Dân không mặn mà


“Năm nay phải mất 50% số tiền mua chế phẩm sinh học, ngoài ra tiền lân NPK và ni-lông nông dân cũng phải tự bỏ ra, nên tôi không ủ nữa mà đốt hết”.

Bà Lê Thị Tám, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà

Kế hoạch xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học được thực hiện từ năm 2011. Những năm trước, chế phẩm thường được mua tại Công ty CP Công nghệ sinh học (Hà Nội), nhưng cuối năm 2013, đầu năm 2014, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học đã sản xuất được 5 tấn chế phẩm để xử lý rơm, rạ. Sở Khoa học và Công nghệ đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ miễn phí 5 tấn chế phẩm Fito-Biomix RR cho các huyện, thị xã, thành phố xử lý tương đương 25 nghìn tấn rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch. Tuy nhiên, đến nay, UBND tỉnh vẫn chưa có quyết định cấp chế phẩm miễn phí, trong khi đó toàn tỉnh đã gặt được khoảng 90% diện tích lúa vụ xuân.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, tính đến thời điểm này, chỉ có huyện Kim Thành gửi văn bản đăng ký 4 tạ chế phẩm, đủ xử lý 2.000 tấn rơm, rạ, các huyện, thị xã, thành phố còn lại chưa đăng ký chính thức. Thực tế cho thấy, việc xử lý rơm, rạ hằng năm không bảo đảm kế hoạch. Năm 2012, kế hoạch xử lý 144 nghìn tấn rơm, rạ, nhưng chỉ xử lý được hơn 40 nghìn tấn. Năm 2013, kế hoạch 216 nghìn tấn, nhưng chỉ xử lý được hơn 2.000 tấn. Ông Nguyễn Phương Vụ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang cho biết, từ năm 2011 đến 2013 còn có người đăng ký xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học, nhưng số lượng giảm dần, vì địa phương nào thực hiện năm thứ 2 chỉ được hỗ trợ 50% số tiền chế phẩm. Tuy nhiên, kết quả mang lại không thiết thực, nên năm nay toàn huyện không có xã nào đăng ký chế phẩm. 

Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thanh Hà, năm nay toàn huyện chỉ có duy nhất xã Tiền Tiến đăng ký 10 kg chế phẩm xử lý rơm, rạ, nhưng không đăng ký bằng văn bản mà chỉ báo qua Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học. Tuy nhiên, nông dân cũng không mặn mà. Bà Lê Thị Tám ở đội 12, thôn Cập Nhất cho biết: “Tôi có hơn một mẫu lúa, năm ngoái tôi thấy nhiều người đăng ký xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học nên tôi đăng ký xử lý rơm, rạ cho 9 sào, tuy sản phẩm ủ ra sử dụng rất tốt nhưng mất nhiều thời gian. Để thu gom rơm, rạ của 9 sào lúa sau thu hoạch, tôi mất 3 công, trong khi mỗi công tôi đi làm thuê được hơn 200 nghìn đồng, xử lý rơm, rạ thì lại mất tiền. Năm nay phải mất 50% mua chế phẩm sinh học, ngoài ra tiền lân NPK và ni-lông nông dân cũng phải tự bỏ ra, nên tôi không ủ nữa mà đốt hết”. Năm 2013, xã Tiền Tiến chỉ đăng ký 20 kg chế phẩm, nhưng cũng ít người sử dụng. Một số người đến nhận chế phẩm mới được biết là phải mất tiền, 20 nghìn đồng/gói nên không lấy nữa. Ông Hoàng Đức Lâm, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tiền Tiến cho biết: “Xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học để làm phân bón hữu cơ cho đồng ruộng là rất tốt, nhưng xét về tình hình thực tế thì không thể thực hiện được. Lượng xử lý rơm, rạ ngày càng ít đi. Bình quân, mỗi vụ xã có hơn 9.000 tấn rơm, rạ cần xử lý, nhưng xã chỉ xử lý được vài trăm tấn, không đáng là bao. Việc xử lý rơm, rạ còn ảnh hưởng đến tiến độ vụ mùa và không mang lại lợi nhuận cho nông dân”.

Đề nghị UBND tỉnh sớm có quyết định cấp miễn phí 5 tấn chế phẩm cho các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch, hạn chế ô nhiễm môi trường. Các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân tận dụng phân gia súc, gia cầm, các vật liệu che đậy sẵn có để ủ rơm, rạ, tạo phân bón hữu cơ, cung cấp chất dinh dưỡng cho đồng ruộng. Các cấp, chính quyền phải chỉ đạo kiên quyết hơn nữa để việc xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học hiệu quả.

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học đang tiếp nhận công nghệ đưa chủng vi sinh vật mới vào cùng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, rạ ngay tại ruộng. Mô hình này đang được thử nghiệm tại xã Minh Đức (Tứ Kỳ). Việc xử lý rơm, rạ ngay tại ruộng bằng vi sinh vật giúp cho rơm, rạ nhanh mục, bảo đảm mùa vụ, khử được độc tố trong đất, tạo ra phân hữu cơ tại chỗ, phục vụ mùa màng, cũng là biện pháp hạn chế đốt gây ô nhiễm môi trường. Hy vọng đây sẽ là biện pháp hữu dụng cho nông dân trong thời gian tới.   

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cho không cũng khó