Góc nhìn

Cho học trò cơ hội

THANH XUÂN 20/11/2023 07:30

Cho học trò cơ hội chính là sự bao dung của người thầy. Sự bao dung không chỉ giống như lòng tốt mà là một cách giáo dục đáng phải suy nghĩ.

z4884979710084_816aea52431251a3a687d5ba512b9cb9(1).jpg
Giáo dục bằng sự bao dung giúp hình thành nhân cách tốt cho trẻ (ảnh minh hoạ)

Những ngày này cả xã hội lại tôn vinh những người thầy. Vì sao vậy?

Có rất nhiều cách lý giải nhưng tôi nhớ mãi câu chuyện của một người bạn học. Năm đó thi chuyển cấp kèm theo một bài thi lựa chọn học sinh vào lớp chọn. Có nhiều bạn đỗ vào lớp chọn nhưng không theo học. Lý do thì có nhiều nhưng tựu trung lại sự học chưa được nâng niu như bây giờ. Bạn tôi không đủ điểm vào lớp chọn nhưng gia đình bạn lại thiết tha với một cơ hội được học tập tốt hơn. Bố bạn đã mạnh dạn đến nhà thầy chủ nhiệm bày tỏ nguyện vọng cho bạn được vào học lớp chọn. Việc này theo như thầy giáo nói là một sự lạ bởi lúc đó nhiều người xin ra khỏi lớp chọn vì ngại học hành tốn kém thì lại có một gia đình xin vào. Thầy giáo đã đồng ý vì một lý do đơn giản: Gia đình hiếu học như vậy thì mình phải tạo điều kiện. Chuyện thi cử xưa nay “học tài thi phận” cũng xảy ra nhiều…

Bạn tôi vào học lớp chọn và nhanh chóng hoà nhập, nhanh chóng trở thành một trong những người không chỉ ở tốp trung bình mà còn khá, có những môn trong tốp dẫn đầu.

Câu chuyện đi theo con đường của bạn tôi đến mãi những năm sau này.

Bạn trở thành một người thành đạt, một người tử tế. Không rõ ngã rẽ năm đó nếu không vào lớp chọn thì bạn tôi có trở thành một người khác tốt hơn hay xấu hơn nhưng cơ hội thầy cho thì giống như một sự biết ơn và giúp bạn tôi nỗ lực mỗi ngày để hoàn thiện.

Sự học mỗi lúc mỗi khác. Bây giờ người thầy không thể cho học trò cơ hội giống như trên bởi việc thi hay khảo sát để chọn học sinh vào trường chuyên, lớp chọn được tổ chức công khai, tính cạnh tranh rất cao. Nhưng những cơ hội khác trong môi trường học đường thì luôn có nhiều. Một học sinh vi phạm kỷ luật, đánh nhau, đi học muộn, không kịp làm bài tập… Việc trách phạt là cần thiết nhưng trong nhiều trường hợp nó không hiệu quả bằng sự bao dung. Ví dụ rõ nhất là thời gian qua có một số vụ bạo lực học đường bị phanh phui. Dư luận đặt câu hỏi: Thầy giáo dạy được gì khi giơ tay tát học sinh? Cô giáo mầm non bồi đắp được gì khi bóp mồm trẻ, dọa đánh để đút cháo? Thầy cô giáo lên lớp mà khi nào cũng căng thẳng khiến học sinh sợ sệt có khích lệ sự năng động, sáng tạo, tính tự chủ của các em? Câu trả lời là không.

Học trò hư có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân đáng quan tâm là sự xa lánh của thầy cô giáo. Những đứa trẻ đến trường mà cảm thấy cô đơn sẽ rất dễ dẫn đến sự thiếu hụt về nhân cách. Ở trường học có bạo hành các em cũng dễ hình thành tâm lý thù hận. Một môi trường giáo dục nhân ái sẽ giúp xây lên nhân cách tốt trong các em. Vậy tại sao không giáo dục con trẻ bằng lòng nhân ái thay cho bạo lực?

Có người nói rằng không có học trò tồi mà chỉ có thầy giáo kém. Tôi nghĩ không hẳn đã đúng. Cũng như không có nhân viên tồi, chỉ có lãnh đạo kém. Một con người cụ thể giỏi giang cần có những tố chất cần thiết và giáo dục biết khơi gợi, biết cách giúp các em tự bồi đắp các tố chất ấy để phát triển thành tài năng. Nhưng giáo dục hoàn toàn có thể tạo ra những con người tử tế, biết yêu thương bản thân, gia đình, thầy cô, bạn bè và sống hài hoà với xã hội, tự nhiên.

Những đứa trẻ sẽ luôn nhớ đến thầy cô của mình một cách sâu sắc nếu như chúng nhận được cơ hội sửa sai. Những người thầy thực sự như người lái chuyến đò tri thức, nhân cách, tài năng mà người qua sông là học trò. “Qua sông”, học trò thành người, bước vào xã hội để dựng xây cuộc sống này thêm tốt đẹp.

THANH XUÂN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cho học trò cơ hội