Thừa nhận lợi ích của việc sử dụng thiết bị điện tử nói chung và điện thoại nói riêng phục vụ học tập, nhưng nhiều nhà trường, thầy cô vẫn lo ngại khi chưa có hướng dẫn, quy định chặt chẽ.
Cần có hướng dẫn cụ thể việc học sinh sử dụng điện thoại. Trong ảnh: học sinh của một trường tại TP Hồ Chí Minh sử dụng điện thoại trong sân trường
Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), việc học sinh sử dụng các thiết bị điện tử trong lớp học là thực tế đã diễn ra trong các nhà trường. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào quy định chặt chẽ là cần thiết.
Thầy cô trông chờ...
"Khi các trường chủ động kế hoạch giáo dục, nhà trường cũng khuyến khích các tổ chuyên môn, giáo viên chủ động áp dụng các hình thức dạy học khác nhau. Trong đó có thể cho học sinh sử dụng thiết bị điện tử kết nối mạng để truy cập nguồn học liệu, các phần mềm ôn tập, dạy học để nhận nhiệm vụ học tập.
Với các ứng dụng, giáo viên có thể chủ động triển khai dạy học theo nhiều hình thức và kiểm tra được việc thực hiện của học sinh.
Tuy nhiên, việc gì cũng có hai mặt nên mỗi nhà trường, mỗi giáo viên cần có các quy định chặt chẽ, cụ thể để tránh tình trạng học sinh lạm dụng điện thoại chơi game hoặc các mục đích ngoài học tập" - cô Nhiếp cho biết.
Thầy Trần Văn Minh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, quận 6, TP Hồ Chí Minh - bày tỏ quan điểm: quy định cho học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường cần nêu rõ những việc các em được làm, những việc không được làm; nếu vi phạm sẽ bị chế tài với các mức độ cụ thể ra sao...
Việc học tập của học sinh bây giờ rất cần điện thoại thông minh để tra cứu (vì số liệu trong sách giáo khoa đã cũ, lạc hậu), làm bài tập trực tuyến...
Thế nhưng, thực tế hiện nay có học sinh mang điện thoại vào trường để gian lận khi thi cử, thu âm, quay phim bạn bè mình trong nhiều tình huống "khó đỡ" với những hình ảnh phản cảm.
Thầy Lâm Vũ Công Chính - giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP Hồ Chí Minh - cũng cho rằng để học sinh sử dụng điện thoại hiệu quả vào việc học, trước hết Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định nhằm hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên cũng như tạo ra nền tảng công nghệ để giáo viên dạy học hiệu quả trong thời đại 4.0.
Cụ thể, cần có phần mềm thống nhất, website chuyên môn... để giáo viên đăng nhập với tư cách người dạy, học sinh đăng nhập với tư cách người học.
Lúc ấy, giáo viên sẽ tự tin hơn khi cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học, chứ như hiện nay chỉ những giáo viên rành về công nghệ mới cho học sinh sử dụng điện thoại.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết tới đây Bộ sẽ ban hành hướng dẫn xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có nội dung hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại trong lớp phục vụ việc học tập.
Văn bản sẽ có nội hàm nêu rõ học sinh có thể được sử dụng điện thoại trên lớp nếu được giáo viên cho phép, và chỉ dùng vào mục đích học tập.
Việc này đã thu hút những ý kiến trái chiều gây ồn ào thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, mỗi nhà trường sẽ dựa trên yêu cầu của chương trình giáo dục do Bộ GD-ĐT ban hành, dựa trên kế hoạch giáo dục của các tổ bộ môn, điều kiện dạy học, đặc điểm riêng của đối tượng học sinh để xây dựng kế hoạch giáo dục chung cho các môn học, hoạt động, đảm bảo tổng số tiết/năm học theo quy định và tạo điều kiện để giáo viên có thể chủ động áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học, đánh giá, phát huy sáng tạo của người dạy, người học.
Dựa trên kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch dạy học của các môn học do tổ chuyên môn thiết kế, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy, lựa chọn cách tổ chức dạy học, lựa chọn học liệu, thiết bị dạy học phù hợp cho bài dạy của mình.
Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp ở các tiết học do mình phụ trách được giáo viên - tùy theo nội dung bài học, cách thức tổ chức dạy học - quyết định sử dụng phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, học sinh để triển khai có hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp kiểm tra đánh giá.
Đặc biệt, khi cho phép học sinh sử dụng điện thoại, giáo viên phải nêu rõ mục đích cụ thể sử dụng điện thoại như một thiết bị hỗ trợ để thực hiện các nhiệm vụ học tập, tương ứng với kế hoạch bài dạy của giáo viên.
Theo Tuổi trẻ