Các cấp công đoàn trong tỉnh nỗ lực đẩy mạnh nhiều hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả để bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Một buổi tư vấn cho công nhân lao động ở khu vực phường Tứ Minh do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức
Bảo vệ quyền lợi thiết thực
Một trong những việc làm khẳng định rõ vai trò bảo vệ lợi ích người lao động (NLĐ) của tổ chức công đoàn là hoạt động phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ.
Dù còn nhiều khó khăn như lực lượng cán bộ công đoàn chuyên trách tại các doanh nghiệp mỏng, nhiều vi phạm chưa có chế tài xử lý nghiêm minh nhưng bằng nhiều cách làm linh hoạt, công đoàn đã chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với NLĐ ở các doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại 34 doanh nghiệp, đưa ra 175 kiến nghị yêu cầu chủ sử dụng lao động khắc phục để bảo đảm an toàn cho NLĐ. LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức 25 cuộc kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp.
Ngoài công tác thanh tra, công đoàn còn tích cực giải quyết các đơn thư tố cáo, khiếu nại, các vụ đình công tập thể của NLĐ. Từ năm 2014 đến nay, Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ tỉnh đã chủ động giải quyết giúp 272 NLĐ đòi lại các quyền lợi được hưởng về tiền lương, trợ cấp thôi việc, tai nạn lao động... Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ đình công với sự tham gia của hơn 1.700 công nhân. Khi xảy ra đình công, các cấp công đoàn đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng đến làm việc với chủ sử dụng lao động để giải quyết các kiến nghị của NLĐ, không để đình công kéo dài. Điển hình là LĐLĐ huyện Tứ Kỳ đã phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết tốt vụ đình công của 200 công nhân thuộc Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Thanh Bình. Qua đó, yêu cầu doanh nghiệp tổ chức đối thoại với NLĐ và chấp nhận tăng mức hỗ trợ tiền ăn ca, tổ chức làm thêm giờ đúng quy định, điều chỉnh lại mức khoán sản phẩm phù hợp...
Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh và các tổ tư vấn của các công đoàn cấp trên cơ sở đã kịp thời tư vấn cho gần 2.700 người, trong đó giúp nhiều lao động đòi lại các quyền lợi bị chủ sử dụng vi phạm. Mới đây, Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh đã cùng với Chi hội Luật gia LĐLĐ tỉnh tư vấn và hướng dẫn chị Đặng Thị Trang (công nhân Công ty TNHH Everglory, khu công nghiệp Nam Sách) bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về (suy giảm 61% sức khoẻ), làm hồ sơ để hưởng chế độ tai nạn lao động. Chị Trang đã nhận được hơn 40 triệu đồng tiền bồi thường và hưởng trợ cấp hằng tháng. Anh Trương Văn Dũng trong thời gian làm tại Công ty Posco-VNPC (khu công nghiệp Phúc Điền) bị người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không thanh toán các khoản tiền lương còn nợ. Anh Dũng đã được Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh tư vấn làm các thủ tục yêu cầu công ty thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi cho công nhân nghỉ việc. Nhờ đó anh Dũng đã nhận lại hơn 6 triệu đồng mà công ty nợ trước đó.
Thực hành dân chủ
Giúp NLĐ được thực hành dân chủ là việc làm khó, nhất là trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với chuyên môn thực hiện tốt công tác này. Trong 6 tháng đầu năm nay, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ năng đối thoại, thương lượng, xây dựng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cho hàng trăm cán bộ công đoàn các cấp. Nhờ sự vào cuộc của công đoàn, 100% số cơ quan hành chính sự nghiệp trong tỉnh đã tổ chức hội nghị cán bộ, công chức; khoảng 56% số doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLĐ. Tất cả các cơ quan hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và khoảng 90% số doanh nghiệp ngoài nhà nước xây dựng được nội quy, quy chế nội bộ của đơn vị mình. Phần lớn các doanh nghiệp (nơi có tổ chức công đoàn) đã xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể giữa NLĐ với chủ sử dụng lao động. Ở nhiều đơn vị, công đoàn đã chủ động tham mưu để các bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ về tiền lương, tiền thưởng, hỗ trợ ăn ca, xăng xe, nhà trọ... Điển hình là ở Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (khu công nghiệp Đại An), bản thỏa ước lao động tập thể ghi rõ: Công ty sẽ tổ chức cho NLĐ đi tham quan miễn phí mỗi năm 1 lần, hỗ trợ công nhân nữ có con nhỏ với mức 300.000 đồng/người/tháng. Ngoài số ngày nghỉ phép năm theo tiêu chuẩn, NLĐ còn được nghỉ trong trường hợp gia đình có việc hiếu, hỷ, đột xuất. Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (khu công nghiệp Phúc Điền) sẵn sàng bảo đảm về chỗ ở, có khu vui chơi, giải trí hiện đại cho NLĐ...
Thực tế hiện nay, phần lớn công nhân xuất thân từ nông thôn, kiến thức về pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng còn nhiều hạn chế. Vì vậy, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lao động như việc làm, bảo hiểm y tế... với nhiều hình thức phong phú như tổ chức theo hình thức trả lời câu hỏi trắc nghiệm, sân khấu hóa... Trong 6 tháng đầu năm nay, các cấp công đoàn đã tổ chức được 2.974 cuộc tuyên tuyền kiến thức cho khoảng 414.000 lượt người.
Theo bà Nguyễn Thị Láng, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh, ngoài những hoạt động nổi bật như trên, công đoàn còn tích cực phát động các phong trào thi đua yêu nước, thi đua trong lao động sản xuất để NLĐ phát huy khả năng sáng tạo của mình. Đẩy mạnh các phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa để NLĐ có điều kiện làm việc tốt hơn. Tổ chức sôi nổi các hoạt động nữ công để lao động nữ nhận được nhiều sự hỗ trợ tốt hơn trong công việc và cuộc sống...
595 kiến nghị yêu cầu doanh nghiệp khắc phục vi phạm với người lao động Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại 24 doanh nghiệp. Qua kiểm tra, các phòng chức năng của sở đã đưa ra 595 kiến nghị yêu cầu doanh nghiệp khắc phục những vi phạm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động (NLĐ). Đồng thời, thẩm định 876 hồ sơ giải quyết chế độ đối với NLĐ tại các doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp; thẩm định 447 hồ sơ giải quyết chế độ đối với Chủ nhiệm HTX. Sở cũng thẩm định hồ sơ của 74 doanh nghiệp về việc nhận đăng ký nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể, phương án làm thêm giờ, đăng ký doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động là người khuyết tật trở lên. Ngoài ra, sở chủ trì phối hợp giải quyết kịp thời 6 vụ đình công, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ và không để xảy ra mất an ninh, chính trị trên địa bàn. PV |
THANH NGA