Cuộc tổng tuyển cử ngày 10.11 được coi là cơ hội nhằm giải quyết thế bế tắc chính trị kéo dài suốt hơn nửa năm qua tại Tây Ban Nha.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Ảnh: EFE
Ngày 10.11, Tây Ban Nha sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử lần thứ 4 trong vòng 4 năm qua nhằm giải quyết thế bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử hồi tháng 4 vừa qua khi đảng Công nhân Xã hội (PSOE) của Thủ tướng Pedro Sanchez vẫn không thể thành lập được chính phủ do không giành được đa số ghế tại Quốc hội.
Tuy vậy, cuộc tổng tuyển cử sắp tới được dự đoán khó có thể phá vỡ thế bế tắc chính trị vốn kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế hiện nay tại Tây Ban Nha.
Bế tắc chính trị kéo dài
Kể từ khi giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ngày 28.4 vừa qua, đảng PSOE của Thủ tướng Sanchez vẫn không thể thành lập được chính phủ do chỉ có được 123 ghế trong tổng số 350 ghế của Quốc hội. Kết quả này buộc ông Sanchez phải tìm kiếm sự ủng hộ của các chính đảng khác để có thể trở thành Thủ tướng mới của Tây Ban Nha. PSOE cần 42 ghế của đảng cánh tả Unidas Podemos do ông Podemos Pablo Iglesias lãnh đạo để có cơ hội thành lập liên minh cầm quyền.
Sau gần 5 tháng, Thủ tướng Pedro Sanchez vẫn chưa thể thành lập chính phủ. Vòng đàm phán giữa đảng PSOE và đảng cánh tả Unidas Podemos hôm 10.9 đã thất bại. Đảng PSOE và đảng cánh tả Unidas Podemos đã không gạt bỏ được bất đồng để đạt được thỏa thuận về việc thành lập một liên minh chính phủ liên minh.
Trên thực tế, quan hệ giữa đảng PSOE và đảng Unidas Podemos gia tăng căng thẳng trong thời gian qua, đặc biệt sau khi ông Sanchez thất bại trong cả hai cuộc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra hồi tháng 7.
PSOE ban đầu miễn cưỡng chấp nhận liên minh với Podemos, song ông Iglesias từ chối, cho rằng danh sách nội các mà PSOE đưa ra không đủ sức nặng chính trị. Hiện Thủ tướng Sanchez đã từ chối đề nghị thành lập liên minh, nhấn mạnh chỉ đàm phán về chương trình chính sách chung. Về phần mình, ông Iglesias luôn khẳng định Podemos đã đề nghị thành lập một "liên minh tạm thời" song đã bị PSOE từ chối.
Khó khăn càng thêm chống chất khi ngày 17.9, lãnh đạo đảng Unidas Podemos Pablo Iglesias tái khẳng định sẽ chỉ ủng hộ lãnh đạo đảng PSOE Pedro Sanchez trong tiến trình bỏ phiếu công nhận ông này là Thủ tướng Tây Ban Nha nếu ông Sanchez nhất trí thành lập một liên minh chính phủ với chính đảng đối lập này.
Trong khi đó, đảng Ciudadanos trung hữu khẳng định sẽ bỏ phiếu chống lại lãnh đạo đảng PSOE Sanchez trong tiến trình phê chuẩn ông này làm Thủ tướng nếu như ông Sanchez không đáp ứng những điều kiện đưa ra trước đó.
Trước đó, trong một bức thư viết tay gửi đảng Ciudadanos, Thủ tướng Sanchez khẳng định đảng PSOE đã hoàn thành tất cả yêu cầu của đảng Ciudadanos và đảng này không có lý do gì để ngăn chặn tiến trình phê chuẩn ông làm Thủ tướng chính thức. Tuy nhiên, đảng Ciudadanos cho rằng, nội dung trong bức thư của ông Sanchez là hoàn toàn "dối trá" và đảng này sẽ bỏ phiếu chống lại ông.
Trong nỗ lực thúc đẩy việc thành lập một liên minh chính phủ mới cũng như ngăn chặn khả năng tiến tới cuộc tổng tuyển cử lần thứ tư trong vòng nhiều năm qua, Nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI đã tiến hành cuộc họp kéo dài 2 ngày với lãnh đạo các đảng. Tuy nhiên, sau cuộc họp, Hoàng gia Tây Ban Nha thông báo Tây Ban Nha sẽ tổ chức lại cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11, lần thứ tư trong vòng 4 năm, sau khi Thủ tướng Pedro Sanchez đã không thể nhận được đủ sự ủng hộ cần thiết của các đảng phái khác.
Cũng theo Hoàng gia Tây Ban Nha, Nhà vua Felipe VI sẽ không đề xuất bất kỳ ứng cử viên nào cho chức vụ Thủ tướng do không lãnh đạo chính đảng nào nhận được sự ủng hộ đa số tại Quốc hội.
Thủ tướng Sanchez cũng khẳng định Tây Ban Nha sẽ phải tổ chức bầu cử lại quốc hội vào ngày 10.11, đồng thời quy trách nhiệm cho các đối thủ về tình hình bế tắc hiện nay trên chính trường.
Kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế
Tình hình bất ổn chính trị tại Tây Ban Nha đã kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế của nước này. Kinh tế Tây Ban Nha từng ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên mức trung bình của Eurozone nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng. Tuy nhiên, Tây Ban Nha đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh bất ổn chính trị trong nước cũng như những bất trắc trên toàn cầu đang tác động xấu đến niềm tin kinh doanh tại nước này.
Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha (BoS) hồi tháng 9 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2019 và 2020 lần lượt xuống còn 2% và 1,7%, thấp hơn nhiều so với các mức dự báo tương ứng là 2,4% và 1,9% do BoS đưa ra hồi tháng 6. BoS nhấn mạnh bất ổn chính trị đã cản trở việc thông qua các biện pháp cần thiết nhằm giải quyết những vấn đề yếu kém của nền kinh tế cũng như cải thiện khả năng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu này.
Tiếp đó, ngày 15.10, Chính phủ Tây Ban Nha đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2019 và năm 2020 do nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Theo dự thảo ngân sách trình lên Ủy ban châu Âu (EC), Chính phủ Tây Ban Nha dự kiến nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu này sẽ đạt mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2,1% trong năm nay, thấp hơn so với mức dự báo 2,2% được đưa trước đó. Chính phủ Tây Ban Nha cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 xuống 1,8%, từ mức dự báo tăng trước đó là 1,9%.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha năm 2019 và 2020 lần lượt xuống còn 1,1% và 1,2%.
Các nhà kinh tế cho rằng đà giảm tốc tăng trưởng của Tây Ban Nha là do những bất ổn chính trị đã cản trở việc thông qua các biện pháp cần thiết nhằm giải quyết những vấn đề yếu kém của nền kinh tế cũng như cải thiện khả năng tăng trưởng của nền kinh tế lớn Tây Ban Nha.
Ngoài ra, những bất ổn toàn cầu bắt nguồn từ các cuộc chiến thương mại mà Mỹ khởi xướng với Trung Quốc và các nước khác cũng kéo đà tăng trưởng kinh tế Tây Ban Nha đi xuống. Cùng với đó, đà tăng trưởng ảm đạm tại những quốc gia đối tác thương mại chính của Tây Ban Nha như Đức cũng ảnh hưởng tới nước này. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha đã ở mức gần 14%.
Mặc dù vậy, trước thềm cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 10.11, Thủ tướng Pedro Sanchez vẫn giữ thái độ lạc quan đối với tăng trưởng kinh tế Tây Ban Nha. Ông nhấn mạnh rằng nền kinh tế nước này vẫn có những điều kiện cơ bản vững chắc để đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm lại. Thủ tướng Sanchez chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha vẫn nhanh hơn mức trung bình của Eurozone và hoạt động kiến tạo việc làm vẫn được duy trì.
Khó phá vỡ thế bế tắc
Cuộc tổng tuyển cử ngày 10.11 được coi là cơ hội nhằm giải quyết thế bế tắc chính trị kéo dài suốt hơn nửa năm qua tại Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, kết quả 3 cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 4.11 dự đoán cuộc tổng tuyển cử tại Tây Ban Nha vào cuối tuần này không chắc có thể phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay do cả các đảng cánh tả lẫn các đảng cánh hữu đều khó giành được đa số phiếu trong Quốc hội.
Các cuộc thăm dò do NC Report, GAD3 và SigmaDos thực hiện đã dự báo khả năng chiến thắng thuộc về đảng Xã hội, song đảng này khó hội đủ đa số phiếu cần để thành lập chính phủ. Cụ thể, đảng PSOE chỉ có thể giành được khoảng 120 ghế, trong khi đảng cực hữu Vox đang nổi lên và trở thành đảng lớn thứ 3 với dự kiến giành được khoảng 40 ghế trong Quốc hội 350 ghế.
Đảng đối lập lớn nhất là đảng Nhân dân trung hữu có thể sẽ nhận được số phiếu bầu tăng vọt nhờ đảng bảo thủ Ciudadanos đang trong tình thế bấp bênh nhất do đảng này dự báo sẽ giành được ít hơn 1/3 số ghế so với mức mà đảng này đạt được trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn hồi tháng 4 năm nay.
Giới quan sát nhận định dù các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đảng PSOE có thể giành được nhiều phiếu nhất tại cuộc bầu cử sắp tới, họ vẫn sẽ không bảo đảm được đa số trong Nghị viện. Vì vậy, tình trạng bất ổn chính trị tại Tây Ban Nha kéo theo sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế của nước này có vẻ chưa thể kết thúc. Sự bất ổn này cũng sẽ ảnh hưởng tới tiến trình cải cách của Tây Ban Nha.
Theo TTXVN