Chính trường Áo với những biến động khó lường

30/05/2019 08:16

Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen quyết định bãi nhiệm Chính phủ liên bang, theo đó Thủ tướng Sebastian Kurz và các bộ trưởng trong nội các của ông đã bị sa thải ngày 28.5.


Chính trường Áo biến động sau khi Thủ tướng Kurz mất chức

Động thái này của Tổng thống Áo Bellen được xem là một diễn biến bất ngờ bởi mới trước đó vài ngày ông còn bày tỏ sự ủng hộ với Thủ tướng Áo Kurz về việc kêu gọi tiến hành bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào tháng 9 tới nhằm khôi phục niềm tin của người dân vào thể chế trước những bê bối chính trị tại Áo thời gian qua.

Những diễn biến bất ngờ

Những bê bối chính trị ở Áo bắt đầu từ khi hai tờ báo của Đức là Suddeutsche Zeitung và Der Spiegel ngày 17.5 đăng tải một đoạn video, trong đó ghi lại cảnh Phó Thủ tướng của Áo là ông Heinz-Christian Strache, đồng thời là lãnh đạo phe cánh hữu trong chính phủ liên minh, gặp một phụ nữ được cho là cháu gái một nhân vật có ảnh hưởng chính trị tại Nga. Cuộc gặp này diễn ra hồi năm 2017, không lâu trước khi diễn ra cuộc bầu cử tại Áo. Trong đoạn video, ông Strache đã đề nghị một phụ nữ Nga tự xưng là Alena Makarova, được cho là cháu gái của một tài phiệt Nga, đầu tư nhiều triệu euro vào Kronen Zeitung, tờ báo bình dân có nhiều người đọc nhất nước Áo, để định hướng cho tờ báo này thân với đảng Tự do Áo (FPO). Đáp lại, ông Strache hứa hẹn sẽ dành các dự án công cho đối tác này, một khi FPO tham gia Chính phủ.

Sau vụ bê bối trên, ông Strache đã phải từ chức Phó Thủ tướng Áo và vị trí Chủ tịch đảng FPO cực hữu. Cũng sau vụ bê bối trên, Thủ tướng Kurz đã quyết định chấm dứt liên minh với đảng FPO và tuyên bố sẽ dẫn đầu một Chính phủ thiểu số chỉ nắm giữ 1/3 số ghế Quốc hội. Đồng thời ngày 22.5, Thủ tướng Kurz cũng đã phê chuẩn danh sách các bộ trưởng mới, bao gồm các thành viên cũ của Đảng Nhân dân Áo (OVP) của Thủ tướng Kurz và một số nhân vật mới là các nhà kỹ trị thay thế các thành viên của Đảng Tự do Áo (FPO) sau khi họ đã đồng loạt từ chức sau vụ bê bối.

Tuy nhiên, trong một diễn biến bất ngờ, chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Kurz vừa thông qua một nội các mới, ngày 27.5, Quốc hội Áo đã bỏ phiếu thông qua bản kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Sebastian Kurz. Bản kiến nghị trên đã nhận được sự ủng hộ của đa số các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ xã hội (SPO) và đảng Tự do Áo (FPO) cực hữu từng liên minh với ông Kurz.

Sau khi bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, ngày 28.5, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen đã quyết định bãi nhiệm chính phủ liên bang, chấm dứt 17 tháng cầm quyền của Thủ tướng Sebastian Kurz. Tuy nhiên, Tổng thống vẫn giao cho chính phủ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của mình dưới sự lãnh đạo tạm thời của Phó thủ tướng Hartwig Loger cho đến khi chính phủ chuyển tiếp mới ổn định.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, sau khi sa thải Thủ tướng Sebastian Kurz và các bộ trưởng trong nội các của ông, Tổng thống Alexander Van der Bellen cần phải sớm chỉ định một Thủ tướng mới để thành lập một chính phủ được sự ủng hộ của Quốc hội cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới.  Đây cũng là lần đầu tiên Áo rơi vào tình trạng như hiện nay.

Căn nguyên sâu xa

Lên nắm quyền từ sau chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10-2017, ông Kurz trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới và được đánh giá là “wunderwuzzi” (tuổi trẻ tài cao). Ông tham gia vào đảng Nhân dân (OVP) từ năm 16 tuổi và đến nãm 2010, ông trở thành cố vấn Hội đồng thành phố Vienna sau thành công ở kỳ bầu cử địa phương.

Tháng 4.2011, khi chưa tròn 25 tuổi, chàng sinh viên ngành Luật của Ðại học Vienna chính thức đặt chân vào nội các Áo ở vị trí Thứ trưởng chuyên trách Hòa nhập xã hội trực thuộc Bộ Nội vụ. Từ năm 2013, ông Kurz đã thu hút sự chú ý của thế giới khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng ở tuổi 27 và là ngôi sao sáng của OVP. Ðến tháng 5.2017, ông được chọn làm lãnh đạo OVP và gây chú ý với tuyên bố rút khỏi chính phủ liên hiệp với đảng Dân chủ Xã hội (SPO) vốn đã kéo dài một thập kỷ. Sự kiện này đã dẫn đến cuộc tổng tuyển cử sớm ngày 15.10.2017.

Trong suốt quá trình hoạt động chính trị, ông Kurz thể hiện phong cách rất trẻ trung, lãng tử, hầu như ít khi đeo cà vạt lúc xuất hiện trước công chúng, không dùng xe công vụ và xây dựng được quan hệ tốt với giới truyền thông.

Nhưng việc bị bỏ phiếu bất tín nhiệm vừa qua đã khiến ông Kurz phải ghi danh là vị Thủ tướng đầu tiên của Áo từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 bị phế truất bằng bỏ phiếu bất tín nhiệm. Trên thực tế, bỏ phiếu bất tín nghiệm diễn ra phổ biến trong nền chính trị nước này, nhưng đây là lần đầu tiên biện pháp đó thành công ở lịch sử hiện đại. Trước đây, các đảng phái đối lập từng nỗ lực song đã thất bại tới 185 lần trong việc “lật đổ” Chính phủ hoặc buộc Thủ tướng phải từ chức. Vì vậy, việc bị phế truất thật sự là một bất ngờ đối với một chính trị gia trẻ trung có sự thăng tiến nhanh chóng trên chính trường như ông Kurz.

Lý giải nguyên nhân khiến Thủ tướng Kurz bị phế truất, các nhà phân tích cho rằng, vụ bê bối video liên quan đến Phó Thủ tướng Heinz Christian Strache, lãnh đạo FPO cực hữu thuộc liên minh cầm quyền, và cháu gái nhà tài phiệt Nga chính là lý do khiến liên minh cầm quyền của Thủ tướng Kurz bị mất tín nhiệm. Scandal trên lập tức gây chấn động toàn nước Áo, khiến Thủ tướng phải ra quyết định chấm dứt liên minh với FPO, đồng thời trình đề nghị Tổng thống cho bầu cử sớm.

Dù bản thân ông Kurz không trực tiếp liên quan đến vụ bê bối trên, nhưng điều đó đã khiến phe đối lập đặt ra câu hỏi về quyết định “lạnh lùng” của ông với liên minh phe cực hữu. Việc Thủ tướng Kurz quyết định chấm dứt liên minh với đảng FPO đã khiến ông phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì đã không tìm kiếm một giải pháp liên đảng cho cuộc khủng hoảng trên.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích lại cho rằng, nguyên nhân thực sự khiến đảng Dân chủ xã hội đối lập muốn “loại bỏ” ông Kurz ngay lập tức bằng biện pháp bất tín nhiệm thay vì chờ đến bầu cử sớm là vì họ lo ngại với vị thế của một Thủ tướng sẽ khiến ông Kurz có lợi thế không công bằng trong chiến dịch bầu cử sắp tới.

Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, các nhà phân tích cho rằng, tuy mất đi lợi thế trong chiến dịch tranh cử sắp tới với tư cách là Thủ tướng đương nhiệm, song ông Kurz và đảng OVP của mình vẫn còn lợi thế, thể hiện qua việc OVP trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua  đã nhận được 34,9% phiếu bầu, tăng gần 8 điểm phần trăm so với năm 2014. Trong khi đó, Đảng Dân chủ xã hội chỉ giành được 23,6% và Đảng Tự do đạt 17,2%. Điều này có nghĩa ông Kurz vẫn có khả năng trở lại ghế lãnh đạo sau cuộc bầu cử vào tháng 9 nếu OVP vẫn giữ vững phong độ là đảng mạnh nhất nước Áo.

Chính vì vậy, phát biểu sau khi bị phế truất, ông Kurz tuyên bố ông và đảng OVP của mình sẽ nỗ lực chiến đấu để giành lại vị trí của mình trong cuộc bầu cử tới. Ông cam kết “những thay đổi mà chúng tôi bắt đầu hai năm trước sẽ không kết thúc vào hôm nay”.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính trường Áo với những biến động khó lường