Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng (*)

20/10/2017 14:27

<b>Báo Hải Dương trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển</b><br>


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu kết luận hội nghị

 - Kính thưa các đồng chí đại biểu khách quý,
 - Kính thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,
 - Thưa toàn thể các đồng chí !


Sau 2 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra.

Các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ và các đồng chí tham dự Hội nghị đã tập trung thảo luận, phát huy dân chủ, thẳng thắn và tham gia nhiều ý kiến quan trọng vào các báo cáo, Tờ trình do Ban Thường vụ tỉnh ủy chuẩn bị, đã có  32  ý kiến phát biểu thảo luận ở tổ và tại hội trường.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi xin tiếp thu các ý kiến tham gia và giao cho các cơ quan có liên quan tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh trước khi ban hành. Sau đây, tôi xin nhấn mạnh một số nội dung như sau:

I. Về kiểm điểm, đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Qua thảo luận, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnhtrong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mặc dù, trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song chúng ta đã đạt được kết quả khá toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, gắn với liên kết, liên vùng trong tiêu thụ sản phẩm; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống khu vực nông thôn. Đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản; hệ thống kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, nhất là hệ thống giao thông được chú trọng đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng, làm cho diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 36,26 triệu đồng, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2010; nhiều làng nghề và ngành nghề mới được phát triển ở nông thôn. Tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị ở cấp xã ngày càng được củng cố và phát huy vai trò rõ nét. An ninh, chính trị, trật tự -an toàn xã hội được giữ vững và tăng cường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng  thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện, đó là: Một số địa phương chưa thực sự quyết tâm chưa cao, nhất là ở cấp xã; chưa thực sự quan tâm đến chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; công tác vận động, tuyên truyền, huy động và bố trí nguồn lực thực hiện chương trình còn hạn chế; khả năng đóng góp của nhân dân còn khó khăn, trong khi đầu tư công trình kết cấu hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn; các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp còn ít; nhiều địa phương chưa năng động, sáng tạo để huy động các nguồn lực và sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Việc xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa trước mắt, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị. Vừa của những xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới và cả các đơn vị đã được công nhận nông thôn mới. Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh đã thống nhất với các nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiệndo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đề xuất. Để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 203 xã và một số đơn vị huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu:cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở cần vào cuộc một cách quyết quyết hơn nữa, tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Từng cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân trong việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp thực sự là người làm chủ trong xây dựng nông thôn mới.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương trong việc thực hiện các tiêu chí, huy động sự tham gia đóng góp của các tầng lớp nhân dân, của doanh nghiệp. Đẩy mạnh chỉ đạo xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng xuất, chất lượng theo hướng sát thực, hiệu quả và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm.Phấn đấu đến năm 2020, mỗi đơn vị cấp huyện có ít nhất một sản phẩm đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong khu vực.Tỉnh có từ 3 đến 5 sản phẩm mang thương hiệu tầm quốc gia.

Về đầu tư nguồn lực 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư mỗi xã 5 tỷ đồng, mỗi huyện 8 tỷ đồng. Giao các đồng chí trong Ban Thường vụ phụ trách các địa phương lựa chọn, cần cân đối ngay từ đầu năm. Cuối tháng 11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo về nội dung này để quyết định cụ thể với yêu cầu công trình được hỗ trợ phải được khởi công và xây dựng trong vòng 2 năm.

II. Kết quả cuộc kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra, thấy rằng: Trong những năm qua, việc học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết 33 trên địa bàn tỉnh được triển khai sâu rộng, kịp thời, đúng kế hoạch đề ra, tỷ lệ đảng viên tham gia học tập cao; công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng. Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong công cuộc đổi mới đất nước ngày càng được nâng cao. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở ngày càng được hoàn thiện hơn. Việc thực hiện Nghị quyết 33 đã gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa” tiếp tục được duy trì thực hiện tốt, có sự chuyển biến rõ nét; nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở và thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm thực hiện;sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa thường xuyên, chặt chẽ; việc xây dựng kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết còn chung chung, chưa sát với tình hình thực tiễn của địa phương; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa chậm được đổi mới; nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn hạn chế.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên: Đề nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 33và Chương trình hành động số 62 của Tỉnh uỷ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Thực hiện tốt các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Gắn việc thực hiện Nghị quyết 33 với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quan tâm giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật và truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương... cho thế hệ trẻ. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực xã hội đểtrùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và các công trình phúc lợi trên địa bàn tỉnh.

III. Kết quả cuộc kiểm tra thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27.4.2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phụ nữ và bình đẳng giới; vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng lên. Đội ngũ nữ trí thức của tỉnh tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng; công tác phát hiện, giới thiệu nhân tố nữ tích cực để bồi dưỡng, kết nạp đảng viên luôn được cấp ủy quan tâm thực hiện. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp uỷ đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp ngày càng tăng.Hoạt động của Hội Phụ nữ đã có nhiều đổi mới trong nội dung và phương thức hoạt động;đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong vận động xã hội thực hiện công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

- Tuy nhiên,Việc thực hiện Nghị quyết còn một số tồn tại, hạn chế như:Việc ban hành văn bản triển khai thực hiện và việc kiểm tra thực hiện Nghị quyết và công tác bình đẳng giới chưa thực sự được quan tâm đúng mức; một số cấp uỷ, chính quyền, các ngành, các cơ quan, đơn vị chưa sâu sát, kịp thời. Công tác quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ nữ và tỷ lệ nữ được sử dụng trong quy hoạch còn thấp, chưa bảo đảm tính kế thừa; tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ, các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành có tăng, song còn thấp so với mục tiêu của Nghị quyết đề ra.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu: Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 26-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết và Chương trình hành động của tỉnh vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đótập trung vào các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, việc làm, giảm nghèo, dân số và chăm sóc sức khỏe...

Thực hiện có hiệu quả, đồng bộ nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó chú trọng đến công tác cán bộ nữ. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ nữ; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, bảo đảm theo quy định;quan tâm tạo nguồn bổ nhiệm cán bộ nữ; các cơ quan, đơn vị có từ 30% số cán bộ nữ trở lên, chưa có cán bộ chủ chốt là nữ, khi kiện toàn bổ sung lãnh đạo phải ưu tiên cán bộ nữ.Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

IV. Về tổng kết Nghị quyết Trung ương 3(khóa VIII) và ban hành Nghị quyết chuyên đề -  nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp

Sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta thấy rằng trong những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng,lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ. Đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành của tỉnh không ngừng phát triển và tiến bộ về nhiều mặt, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Song, so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình hiện nay về công tác cán bộ, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập cần phải khắc phục kịp thời, đó là:Năng lực lãnh đạo, quản lý chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới; chưa có tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong công tác đánh giá cán bộ, ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn hiện tượng nể nang, né tránh; dĩ hòa, vi quý, chưa đúng thực chất; người tích cực, cố gắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chưa được bố trí, sắp xếp công việc phù hợp. Công tác kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm còn chậm. Nhiều cán bộ sau khi bổ nhiệm, mang tư tưởng thỏa mãn, chưa tích cực tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý.

Qua thảo luận, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết chuyên đề về nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo, quản lý các cấpvới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh; không quan liêu, tham nhũng, lãng phí; có uy tín, có phong cách làm việc khoa học, tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, đề ra nhữngnhiệm vụ, giải pháp cụ thể, rõ ràng để chúng ta tổ chức thực hiện nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ công tác cán bộ trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu:Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức cán bộ; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, trước hết là đổi mới công tác đánh giá cán bộ; tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định liên quan đến công tác cán bộ theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu. Xây dựng quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ.

Mở rộng dân chủ đi đôi với với siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác cán bộ; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, gắn với việc tinh giản biên chế và cải cách hành chính. Kiên quyết điều chuyển, miễn nhiệm những cán bộ năng lực yếu, không hoàn thành nhiệm vụ; nội bộ không đoàn kết, thống nhất. Việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định, phải thực sự coi trọng chất lượng. Việc đề bạt cán bộ trong quy hoạch không khép kín ở ngành, địa phương, đơn vị mà phải tính chung trong tổng thể đội ngũ cán bộ toàn tỉnh. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ sự luân chuyển, điều động giữa các khối đảng, đoàn thể, chính quyền tỉnh và huyện; thực hiện nhất quán không bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý hai khóa liên tiếp ở cùng một đơn vị từ 8 năm trở nên.

Tiếp tục thực tốt việc nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm, bảo đảm chất lượng, sát thực,gắn với kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành; thực hiện tốt việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực hiện luân chuyển để rèn luyện trong thực tiễn, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực, kỹ năng công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Ban Chấp hành ủy quyền Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để ban hành.

Kính thưa toàn thể các đồng chí,

Phát huy những kết quả đã đạt được; với sự quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tôi tin tưởng rằng tỉnh ta sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể năm 2017 và những năm tiếp theo.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, chủ động khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra.

Xin kính chúc các đồng chí đại biểu khách quý, các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cùng toàn thể các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt!

 Tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá 16.

Xin trân trọng cảm ơn!

(*) Đầu đề của báo Hải Dương
(0) Bình luận
Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng (*)