Việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa tốt

06/12/2019 08:47

Qua giám sát tại 6 huyện cho thấy tình trạng vi phạm, lấn chiếm đất đai vẫn khá phổ biến.

>>Khai mạc Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh



Đồng chí Đặng Việt Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ đọc tờ trình

Sáng 6.12, đồng chí Đặng Việt Cường, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đọc Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình số 32 – Ctr/TU ngày 28.5.2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại tại Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI.

Nguồn thu lớn từ đất

Qua giám sát trực tiếp 6 huyện ủy, gồm Nam Sách, Kim Thành, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Gia Lộc và Thanh Miện cho thấy từ năm 2016 đến tháng 8.2019, các huyện được giám sát đã thực hiện thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng 285 dự án với diện tích  7.403.561,1 m2. Trong đó, có 7 công trình, dự án có bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 35 hộ gia đình với tổng diện tích  3.513 m2.

Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng được thực hiện cơ bản đảm bảo quy định. Các địa phương đã  tổ chức họp dân, phát thông báo thu hồi đất; niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn và được thông báo trên hệ thống truyền thanh để nhân dân biết, tham gia ý kiến.

Các cấp ủy được giám sát đã quan tâm hỗ trợ, đào tạo việc làm cho người có đất bị thu hồi; các nhà đầu tư cam kết ưu tiên tuyển chọn lao động là người địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn cơ bản các hộ dân có đất thu hồi đều chọn phương án nhận hỗ trợ bằng tiền.

Nguồn thu từ đất chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu ngân sách của các huyện, góp phần quan trọng cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ năm 2016 đến tháng 9.2019, huyện Nam Sách đã thu 844,136 tỷ đồng; Kim Thành 471,872 tỷ đồng; Tứ Kỳ 157,704,8 tỷ đồng; Gia Lộc 607,47 tỷ đồng; Ninh Giang 280,57 tỷ đồng và Thanh Miện thu 297,464 tỷ đồng từ đất

Nguồn thu này đã được trích để đầu tư cho công tác lập hồ sơ, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ công tác quản lý đất đai; xây dựng bảng giá đất và công bố công khai giá đất theo quy định.

Nhiều tập thể, cá nhân bị kỷ luật do vi phạm về quản lý đất đai

Theo Tờ trình, từ năm 2015 đến 2019, Thanh tra tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thanh tra về công tác quản lý, sử dụng đất đai đối với các huyện. Qua thanh tra đã kịp thời phát hiện và kiến nghị đối với UBND các huyện thực hiện khắc phục một số hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý và sử dụng đất đai; xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất...

6 huyện được giám sát đã tiến hành thanh tra 38 tổ chức và 8 cá nhân trong việc quản lý, sử dụng đất đai. Qua thanh tra phát hiện, kiến nghị xử lý kỷ luật 3 tổ chức và 29 cá nhân vi phạm. Đã tiếp nhận 74 đơn, thư tố cáo và 68 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền liên quan đến lĩnh vực đất đai; xem xét, giải quyết 53 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền phải giải quyết. 23 đơn tố cáo đúng; 17 đơn có đúng, có sai  và 13 đơn tố cáo sai. Qua đó đã xem xét xử lý kỷ luật 7 trường hợp, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Kết quả giám sát cũng cho thấy các địa phương đã xử lý 3.995 hộ được giao trái thẩm quyền, trong đó 1.484 hộ được hợp pháp hóa và 2.511 hộ chưa. Việc xử lý xây dựng nhà trái phép trên đất chuyển đổi; hoạt động bến bãi, khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép đã có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương; hoạt động bến bãi từng bước được chấn chỉnh, quản lý chặt chẽ hơn.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ các hạn chế phát hiện qua giám sát. Đó là còn phải điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa tốt.  Tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không phép, lấn chiếm đất công còn xảy ra; còn công trình dự án đã ghi trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được công bố quá 3 năm liên tiếp nhưng chưa thực hiện công bố điều chỉnh hoặc hủy bỏ. Còn một số công trình, dự án chậm triển khai, không triển khai theo kế hoạch gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Việc lập hồ sơ xin giao đất các công trình, dự án trong kế hoạch sử dụng đất của các xã, thị trấn còn chậm. Công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng một số công trình, dự án chậm so với tiến độ đề ra. Một số hồ sơ cho thuê đất chưa chặt chẽ. Việc chỉnh lý biến động trong hồ sơ địa chính chưa được thực hiện đầy đủ. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu một số nơi còn chậm; chưa thực hiện được việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Công tác thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai chưa thường xuyên. Việc thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra, giám sát có nội dung chưa nghiêm túc. Việc giải quyết tố cáo, khiếu nại chưa dứt điểm từ cấp cơ sở dẫn đến một số nơi còn xảy ra đơn, thư tố cáo, khiếu nại vượt cấp, kéo dài.

Tình trạng vi phạm lấn, chiếm đất đai xảy ra phổ biến tại các xã, thị trấn, trong thời gian dài nhưng chưa ngăn chặn. Việc xử lý các trường hợp vi phạm chưa kiên quyết, kịp thời; cá biệt có đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở có biểu hiện tiếp tay cho vi phạm.

Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp.

TM- TC

(0) Bình luận
Việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa tốt