Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có trong phát triển kinh tế, 5 năm qua, ngành dịch vụ của Hải Dương đã có những bước phát triển rõ nét.
Bài 1: Bước đầu phát triển công nghiệp hỗ trợ
Bài 2: Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung
Hệ thống các cửa hàng tiện ích, siêu thị chuyên doanh chuyên nghiệp, hiện đại được hình thành
Nhiều gam màu tươi sáng
Theo Cục Thống kê tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,1%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ đạt 6%/năm. Cơ cấu ngành dịch vụ đến năm 2020 chiếm 31,3%. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng khá, tổng giá trị đạt trên 31,6 tỷ USD, tăng bình quân 11,9%/năm.
Theo ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), giai đoạn vừa qua ghi nhận sự phát triển nổi bật về hoạt động thương mại trên không gian mạng. Xu hướng kinh doanh trên các trang mạng xã hội, website, sàn thương mại điện tử được các tổ chức, cá nhân khai thác. Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 7.500 đơn vị có hoạt động giao dịch thương mại điện tử, tăng khoảng 55% so với năm 2015.
Các mô hình dịch vụ hiện đại thông qua chuỗi các cửa hàng tự chọn, siêu thị chuyên doanh phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân 13%/năm. Nổi bật là chuỗi 32 cửa hàng tiện ích thuộc hệ thống Vinmart+, nhiều siêu thị chuyên doanh như Thế giới di động, Điện máy Xanh, Media Mart, FPT Shop… cùng hàng loạt cửa hàng tự chọn của các hộ kinh doanh cá thể trên toàn tỉnh. Tốc độ lưu thông hàng hóa theo đó được cải thiện rõ rệt.
Giai đoạn 2016-2020, Hải Dương đã dành trên 17 tỷ đồng để cải thiện hạ tầng gần 30 chợ dân sinh, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Với nguồn vốn trên 200 triệu đồng từ Bộ Công thương, Sở Công thương đã hỗ trợ, xây dựng thí điểm mô hình chợ an toàn thực phẩm tại chợ Hải Tân. Cùng sự phát triển của thương mại điện tử, các chuỗi cửa hàng tiện ích, 172 chợ dân sinh gồm 3 chợ hạngI, 20 chợ hạng II trong toàn tỉnh là chân kiềng thứ ba giúp lĩnh vực dịch vụ thương mại hàng hóa phát triển vượt bậc.
Đóng góp vào bức tranh phát triển dịch vụ chung phải kể đến lĩnh vực du lịch. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020 đã ghi nhận sự phát triển khởi sắc, kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại. Du lịch Hải Dương đã tạo ấn tượng với du khách thông qua một số sản phẩm chủ yếu như du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng ở Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh); du lịch cộng đồng ở Đảo Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện); du lịch sinh thái ở vùng dọc sông Hương (Thanh Hà)… Ngoài ra còn có một số làng nghề thu hút khách du lịch như gốm Chu Đậu (Nam Sách), chạm khắc gỗ Đông Giao (Cẩm Giàng)…
Công tác đầu tư xây dựng khu, điểm, tuyến du lịch và hạ tầng giao thông phục vụ du lịch được chú trọng. UBND tỉnh đã phê duyệt và triển khai đầu tư 3Dự án: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch và bảo tồn sinh thái Đảo Cò xã Chi Lăng Nam với vốn đầu tư trên 45 tỷ đồng; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch sinh thái sông Hương với tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng; Xây dựng hạ tầng du lịch chùa Huyền Thiên (Chí Linh) với vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Nhiều di tích được trùng tu, khôi phục từ nguồn vốn xã hội hóa.
Với những nỗ lực phát triển, ngành du lịch đã ghi nhận mức tăng trưởng khá. Lượng khách du lịch tăng bình quân 8,1%/năm, doanh thu tăng bình quân 10,2%/năm, góp phần tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động trực tiếp và hàng chục nghìn lao động gián tiếp khác.
Giai đoạn 2016-2020 cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá từ các mảng dịch vụ vận tải, kho bãi, bưu chính viễn thông, y tế, tài chính ngân hàng.
Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng
Với nền tảng tăng trưởng chung của kinh tế - xã hội thời gian qua, Hải Dương phấn đấu thời gian tới sẽ phát triển nhanh, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh với ba trụ cột: công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao; dịch vụ chất lượng cao.
Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) nhận định cùng với xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng, phát triển kinh tế đêm có thể sẽ là thành tố đột phá gia tăng chất lượng, giá trị dịch vụ. Với lợi thế địa lý gần Hà Nội, Hải Phòng cùng hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, việc sinh sống ở Hải Dương, làm việc ở Hà Nội, Hải Phòng hay các địa phương lân cận được nhận định sẽ trở thành xu thế mới trong tương lai. Do đó, nghiên cứu phát triển kinh tế đêm tại TP Hải Dương, TP Chí Linh hay thị xã Kinh Môn là hướng đi mới. “Với cơ chế, chính sách hợp lý cùng sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp và người dân, kinh tế đêm hoàn toàn có thể trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh trong thời gian không xa, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ”, ông Hiền cho biết.
Về du lịch, Hải Dương cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực đầu tư để phát triển thành ngành kinh tế quan trọng; xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm du lịch chất lượng cao. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường liên kết, phối hợp phát triển du lịch với các tỉnh trong vùng du lịch đồng bằng sông Hồng.
Thực tế, số lượng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, có tiềm lực tài chính đầu tư vào các mảng dịch vụ tại Hải Dương còn khiêm tốn. Để trở thành lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài, thời gian tới Hải Dương cần có chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô lớn.
Nhiều chuyên gia cho rằng Hải Dương nên mở rộng hệ thống dịch vụ bưu chính - viễn thông ở khu vực nông thôn. Từng bước chuyên nghiệp trong quản lý điều hành, hiện đại hóa phương tiện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, nhất là vận tải hành khách. Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế của tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh, tiếp cận nhanh với kinh tế số.
HÀ KIÊN
----------------
Kỳ sau:Văn hóa - xã hội khởi sắc