Sáng 15.4, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII tiến hành thảo luận tại tổ. Đã có 36 lượt ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham gia vào các nội dung hội nghị xem xét.
Quanh cảnh thảo luận tại tổ 1
Quan tâm thu hút nguồn nhân lực ngoại tỉnh
Tham gia vào dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030”, một số ý kiến đề nghị đánh giá làm rõ thêm bộ phận lực lượng lao động Hải Dương đang làm việc ở tỉnh ngoài để có cơ sở đề xuất giải pháp thu hút đối với lực lượng này quay trở lại làm việc; cần đánh giá kỹ hơn nhu cầu lao động tương lai; số liệu phân luồng và đào tạo nghề; số liệu giữa đề án với thực tế cần phù hợp...
Có ý kiến đề nghị nâng chỉ tiêu "Hằng năm, giải quyết việc làm mới cho 36.000 lao động" hoặc bổ sung cụm từ "trở lên" cho phù hợp với xu thế phát triển trong thời gian tới. Có đại biểu cho rằng mục tiêu "Phấn đấu đến năm 2030 đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là: 776.143 m2 sàn xây dựng” sẽ khó thực hiện, cần xem xét điều chỉnh vì theo quy định hiện nay các nhà đầu tư sẽ phải đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong các khu công nghiệp. Cần có chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, đồng thời có cơ chế rõ ràng để thu hút các nhà đầu tư như ưu đãi tiền thuê đất, điện, nước…
Hầu hết các ý kiến đồng tình cao với nhóm nhiệm vụ và giải pháp đưa ra trong dự thảo đề án. Một số đại biểu đề nghị bổ sung, làm nổi bật hơn giải pháp về công tác tuyên truyền; công tác giáo dục thể chất cho học sinh trong trường học; công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong các khu, cụm công nghiệp; tăng cường và đổi mới hình thức liên kết đào tạo. Có ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp giải quyết việc làm cho đối tượng phạm tội sau mãn hạn tù để góp phần thực hiện chính sách tái hòa nhập cộng đồng và ổn định xã hội.
Một số đại biểu cũng đề nghị cần rà soát, quy hoạch lại ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo để tránh lãng phí hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số cơ sở đào tạo nghề. Việc rà soát, sắp xếp các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên là rất cần thiết, nếu để tồn tại đủ 12 cơ sở thì phải thúc đẩy liên kết, nếu không làm được thì phải sáp nhập. Nhiều ý kiến tham gia đề nghị tỉnh cần làm tốt vai trò cầu nối gắn kết nhà nước với doanh nghiệp trong thu hút và đào tạo, đào tạo theo đặt hàng; phối hợp với tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp để tuyển chọn công nhân đi học nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề để bảo đảm sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng chí Hoàng Văn Thực, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị nâng chỉ tiêu giải quyết việc làm mới vì thời gian tới tỉnh sẽ có nhiều khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động
Về cơ chế, chính sách và kinh phí thực hiện đề án, có đại biểu đề nghị quan tâm đào tạo, tư vấn, hướng dẫn nghề nghiệp cho lực lượng lao động phổ thông trên địa bàn tỉnh và có chính sách hỗ trợ về tài chính cho người lao động, bên cạnh cơ chế hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động của Trung ương. Hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông có nguyện vọng học nghề, phát triển sàn giao dịch việc làm. Có ý kiến cho rằng với chiến lược phát triển của tỉnh, đề nghị phải có chiến lược thu hút lao động ngoài tỉnh từ bây giờ. Dự báo năm 2024-2025 cần thu hút thêm từ 6.000-10.000 lao động ngoài tỉnh/năm; từ năm 2026 cần thu hút thêm từ 15.000-20.000 lao động ngoài tỉnh/năm....
Làm rõ hạn chế kéo dài trong tính giá đất
Tham gia thảo luận về dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06- NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hầu hết các ý kiến đều đánh giá chất lượng công tác quy hoạch trong thời gian qua là rất tốt, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh thảo luận kỹ và cho phương án. Tuy nhiên, chưa thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ của phát triển đô thị. Một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm và nhấn mạnh những hạn chế trong việc điều chỉnh một số dự án thiếu kịp thời; việc tính giá đất, nghiệm thu một số dự án còn kéo dài, nhiều bất cập. Có ý kiến băn khoăn trước việc lãng phí hạ tầng đô thị khi thực tế tỷ lệ lấp đầy ở một số khu đô thị chưa cao.
Đa số ý kiến cho rằng việc phát triển đô thị hóa cần phù hợp với thực tiễn, nếu không đặt ra chỉ tiêu phấn đấu cao quá thì sẽ không thực hiện được. Có ý kiến cho rằng định hướng phát triển đô thị là chủ trương lớn, rất cần thiết. Tuy nhiên, cần phải đánh giá đúng thực trạng đô thị hiện tại, chất lượng đường giao thông ở một số phường còn thấp. Việc tăng tỷ lệ đô thị hóa là cần thiết nhưng không được ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của người dân. Một ý kiến đề nghị quan tâm phân bổ, tạo nguồn lực cho phát triển đô thị.
Đồng chí Sái Thị Yến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Kinh Môn nêu một số khó khăn trong phát triển đô thị tại thị xã
Đa số ý kiến đề nghị tỉnh quan tâm tháo gỡ khó khăn cho địa phương, phê duyệt công trình tạo nguồn thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; rà soát tăng thêm diện tích nhà ở cho những địa phương có nhiều doanh nghiệp, đông công nhân, điều kiện còn khó khăn. Có ý kiến đề xuất bổ sung giải pháp hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu, quan tâm đến công trình giáo dục, văn hóa, chất lượng sống của dân số...
Phản ánh quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị ở địa phương còn một số khó khăn, nhiều đại biểu đề nghị các sở, ngành chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương đối với những việc đã xin ý kiến, hướng dẫn cho địa phương thực hiện, đặc biệt là các nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự. Có ý kiến cho rằng các địa phương phải chủ động lập quy hoạch chi tiết các khu dân cư, đô thị theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để khi có chỉ tiêu đất phân bổ thực hiện được ngay, chủ động triển khai các nội dung theo thẩm quyền.
Có ý kiến đề nghị tỉnh sớm có nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chỉ tiêu đất để các huyện có căn cứ thực hiện; đồng thời sớm lựa chọn các đơn vị đầu tư có tiềm lực để thực hiện...
PV