Bức huyết thư thời chiến

22/09/2019 16:34

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không ít người đã dùng máu của mình viết đơn xin nhập ngũ.

Ông Thanh đã dùng máu của mình để ký tên trong đơn xin tình nguyện nhập ngũ

Điều đó không chỉ thể hiện quyết tâm mãnh liệt của chủ nhân lá thư mà còn tiếp thêm động lực cho nhiều thanh niên bấy giờ và thế hệ mai sau. Câu chuyện của ông Nguyễn Công Thanh ở phố Quý Cao, xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) gợi nhớ về một thời kỳ nhiệt huyết ấy.

Quyết lên đường chiến đấu

Với phong thái nhanh nhẹn, ít ai nghĩ ông Thanh năm nay 73 tuổi. Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại kỷ niệm ngày dùng máu viết đơn xin nhập ngũ, ông Thanh vẫn không kìm nén được xúc động. Những ký ức về một thời hừng hực khí thế lên đường đánh giặc trong ông lại ùa về.

Khi còn nhỏ, cậu bé Thanh cảm phục trước tấm gương chiến đấu của cha mình. Học xong lớp 10, ông tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự nhưng 2 lần đều không đạt vì sức khỏe chỉ xếp loại A3, B1. Ông Thanh kể lại: “Ngày đó tôi chỉ nặng 40 cân nhưng tinh thần đánh giặc cao lắm. Sau 2 lần khám sức khỏe thất bại, lần thứ 3 tôi nghĩ mình nhất định phải được đi chiến đấu nên đã viết đơn xin tình nguyện nhập ngũ. Những lá đơn liên tiếp gửi đi nhưng vẫn không được chấp nhận... Cho đến lá thứ 5, tôi quyết định dùng máu của mình để viết dòng chữ “Tôi xin thề”, ký tên trong đơn rồi gửi lên Huyện đội Tứ Kỳ". Trong lá đơn ấy, ông Thanh đã tỏ rõ quyết tâm, trách nhiệm của mình: "Ở chiến trường ngày đêm các chiến sĩ giết giặc lập công mà tôi là một người thanh niên đi học tập giác ngộ và được sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa...", "xuất phát từ lòng căm thù giặc sâu sắc và lòng yêu Tổ quốc, tôi xin tình nguyện đi đợt nghĩa vụ này và đề nghị các đồng chí cho tôi đi ngay đợt này để được góp phần nhỏ bé của tôi vào kháng chiến chống Mỹ”. Đoạn kết trong lá đơn khẳng định bằng lời thề son sắt:  “Xin thề hy sinh tất cả vì Tổ quốc chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.

Chính quyết tâm và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc trong huyết thư ấy nên ông Thanh đã được nhập ngũ. Ngày 14.7.1968, ông nhập ngũ vào Tiểu đoàn 444, Trung đoàn 568, Sư đoàn 330, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ông Thanh nhớ lại: “Chúng tôi được đơn vị đưa đến tỉnh Quảng Bình rồi cả đoàn xuống xe hành quân. Cuộc hành quân ròng rã cả 4 tháng trời lại đúng vào mùa mưa nên rất gian nan”. Tuy dáng người nhỏ nhắn, gầy gò nhưng ông Thanh chỉ bị sốt rét một lần.

Bản sao đơn nhập ngũ của ông Thanh

Trên chiến trường, ông Thanh đã cùng đồng đội tham gia hàng chục trận đánh. 9 lần ông Thanh được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ Quyết thắng” và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Trận tập kích Bầu Quang (vùng Tây Ninh) vào tháng 5.1969 là một ký ức không thể quên đối với ông. Lúc ấy, ông là xạ thủ B41 thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn1, Sư đoàn 9. Theo chỉ đạo của cấp trên và trước tình hình địch càn quét, phản kích dữ dội, Sư đoàn 9 phải chuyển hoạt động vào ban đêm. 

Ông Thanh kể: “Trận ấy, tôi cùng đồng đội đánh tập kích vào vùng chốt của địch lúc nửa đêm. Mục đích là đưa địch vào thế bị động, sau đó tiêu diệt gọn chúng". Sau khi phá hàng rào, bộ đội ta xông lên chiến đấu kiên cường. Khi thực hiện nhiệm vụ, ông đã bị quân địch bắn trúng bả vai. Mảnh đạn găm sâu ở xương vai khiến đầu óc ông choáng váng. Sau đó, ông Thanh được đồng đội đưa đến trạm sơ cứu tiền phương. Chữa trị vết thương xong, ông được điều về làm trợ lý của Trường Quân huấn sư đoàn.

Năm 1973, đơn vị phân công ông Thanh về Phòng Chính trị Sư đoàn 9. Nhờ thông minh, nhạy bén, ông đã tự học và sử dụng thành thạo tiếng Khmer. Ông được tham gia xây dựng giáo dục vùng giải phóng rồi quản lý sĩ quan ngụy. Giữa năm 1976, Hội đồng Giám định y khoa xác định ông bị thương tật 11%. Đến tháng 9.1976, ông được phục viên trở về địa phương. 

Truyền cảm hứng

Trở về quê hương, sức khỏe và khả năng lao động của ông Thanh giảm nhiều. Lúc ấy, kinh tế gia đình ông cũng chỉ trông vào mấy sào ruộng, lại nuôi 4 con ăn học nên rất khó khăn. Vì thế, ông quyết định mở cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà để có thêm thu nhập. Khi cuộc sống khá giả hơn, ông mở rộng quy mô cửa hàng. Hiện các con của ông đều trưởng thành, có công việc ổn định. Ông Thanh nói: “Vợ chồng tôi vẫn kinh doanh để không phải phụ thuộc vào con cái lại có thêm niềm vui tuổi già”. Thi thoảng, ông còn nhận sửa chữa xe đạp.

Ông Thanh tích cực đóng góp vào phát triển kinh tế của địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhiều năm liền, gia đình ông Thanh đạt danh hiệu văn hóa. Ông Đặng Quang Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nguyên Giáp cho biết: "Ông Thanh là hội viên tiêu biểu, tích cực tham gia các hoạt động do Hội Cựu chiến binh xã, huyện phát động. Ông là tấm gương sáng về giữ gìn và phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ".

Dù đã trải qua nhiều năm tháng, nhưng bức huyết thư của ông Thanh vẫn còn nguyên giá trị, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khích lệ tinh thần cho các thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ, đồng thời như lời nhắn nhủ họ phải quyết tâm phấn đấu, rèn luyện. Trong các chương trình giao lưu thanh niên chuẩn bị nhập ngũ của xã, huyện, ông Thanh nhiều lần được mời dự để kể lại câu chuyện của mình.

Ông Thanh hiện vẫn giữ lá đơn nhập ngũ nhưng là bản sao. Bản gốc của lá đơn đang lưu trữ tại Nhà truyền thống của lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương.

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
Bức huyết thư thời chiến