7 giờ 30 sáng 5.7, tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã khai mạc Hội nghị lần thứ 11.
Mời quý vị và các bạn nghe toàn văn bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh của đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị
Các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh điều hành phiên khai mạc hội nghị.
Hội nghị lần này tập trung thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng gồm: Báo cáo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị cũng thảo luận, cho ý kiến về báo cáo kết quả cuộc kiểm tra thứ nhất năm 2022 kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26.5.2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18.2.2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân và Chỉ thị số 48-CT/TU ngày 20.10.2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên; báo cáo kết quả cuộc kiểm tra thứ hai năm 2022 kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và một số nội dung quan trọng khác.
Các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh điều hành phiên khai mạc hội nghị
7 giờ 30: Đồng chí Nguyễn Hữu Thông, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
Nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội
7 giờ 36: Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng khẳng định với với chủ đề “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”, 6 tháng đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã sát sao chỉ đạo các ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Các đại biểu dự hội nghị
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Hải Dương đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, đáng chú ý là giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước tăng 3,3%, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 16,9%. Tổng thu ngân sách từ đầu năm ước đạt 10.334 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Quả vải thiều và một số sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ tốt, được đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn giao dịch điện tử và xuất khẩu.Thủ trưởng một số sở, ngành, đoàn thể và cấp phó các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy dự hội nghị
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; đề ra những biện pháp có tính đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2022 để hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra. Tập trung thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo báo cáo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 để làm cơ sở pháp lý, khoa học lãnh đạo, chỉ đạo hiện thực hoá khát vọng phát triển của Hải Dương trong 30 năm tới…
Khẳng định những nội dung xem xét tại hội nghị lần này rất quan trọng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đề nghị các đại biểu làm việc tập trung, tích cực tham gia nhiều ý kiến bổ ích, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề; thể hiện sự đổi mới, dân chủ trong sinh hoạt cũng như trách nhiệm và vai trò đóng góp của mỗi đồng chí trên cương vị công tác của mình.
Phấn đấu đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
7 giờ 45: Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đọc tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự thảo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đọc tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự thảo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Dự thảo Quy hoạch tỉnh xác định tầm nhìn chiến lược tới năm 2050 là phát triển tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp, hiện đại, văn minh, phát triển bền vững và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông. Phấn đấu đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trung tâm công nghiệp, đô thị hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng; là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo dự thảo, phương án kịch bản tăng trưởng của tỉnh là tăng trưởng cao với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 12,5%; tỷ trọng cơ cấu kinh tế giữa nông nghiệp-công nghiệp, xây dựng-dịch vụ sẽ đạt tương ứng là 4,8% - 63,9% - 31,3% năm 2030; quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm 10 tình dẫn đầu của cả nước, đứng thứ 4/11 vùng đồng bằng sông Hồng.
Dự thảo cũng đề ra những mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2025, năm 2030 và định hướng đến năm 2050; đồng thời đề ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu mang tính đột phá thực hiện quy hoạch. (Hải Dương phấn đấu đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương)
Đại diện đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Hải Dương báo cáo tóm tắt, làm rõ một số nội dung trong quy hoạch tỉnh
8 giờ 5: Đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 báo cáo tóm tắt, làm rõ một số nội dung quy hoạch tỉnh về thực trạng phát triển; quan điểm, mục tiêu phát triển và các đột phá phát triển; phát triển ngành, lĩnh vực; phát triển không gian lãnh thổ; bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, khai thác, bảo vệ tài nguyên, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu; các dự án trọng điểm; các nhóm giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch.
9 nhiệm vụ trọng tâm
8 giờ 55: Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đọc tờ trình về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đọc tờ trình về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022
Theo tờ trình, 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 6 cả nước, đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng.
Thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng 10% trở lên. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung, quyết liệt, khẩn trương hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch, đề án... do Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành. Bảo đảm an toàn dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục, ổn định. Nâng cao chất lượng, tạo sự chuyển biến trong cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc về thủ tục hành chính làm cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh... ("Bức tranh" phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm)
Chất lượng quy hoạch khoáng sản chưa tốt
9 giờ 10: Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đọc tờ trình về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo tờ trình, bên cạnh kết quả đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá thời gian qua, chất lượng quy hoạch khoáng sản chưa tốt, chưa đầy đủ nội dung theo quy định. Công tác điều tra cơ bản, thăm dò đánh giá trữ lượng khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về khoáng sản, các yêu cầu về kiểm soát sản lượng khai thác, nguồn gốc khoáng sản chưa được thực hiện tốt...
Chương trình hành động đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh ta hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về địa chất, khoáng sản đồng bộ; khoáng sản được chế biến phục vụ phần lớn cho nhu cầu sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh mà không được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Đến năm 2030, hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn thiện, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia; hoàn thành việc chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng quy mô nhỏ, bảo đảm an toàn, giảm ô nhiễm… (Đến năm 2025, Hải Dương phấn đấu hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin địa chất, khoáng sản)
9 giờ 30: Các đại biểu nghỉ giải lao. Sau đó, các đại biểu được chia làm 4 tổ thảo luận. Chiều 5.7, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại tổ.
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII sẽ làm việc trong 2 ngày, bế mạc chiều 6.7.
HOÀNG BIÊN - THÀNH CHUNG