Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (1986) có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn, quyết định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để.
>> Bài 1: Đảng ra đời, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền
>> Bài 2: Đảng lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp
>> Bài 3: Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (tháng 10.1986) nêu rõ tỉnh tập trung và ưu tiên vốn đầu tư cho xuất khẩu. Ảnh tư liệu
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 chứa đựng ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại to lớn, kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước Việt Nam, non sông thu về một mối.
Khôi phục kinh tế
Sau ngày thống nhất, cả nước phải đối diện với những thách thức, khó khăn gay gắt cả trong nước, khu vực và trên trường quốc tế.
Đảng đã lãnh đạo cả nước vừa ra sức khôi phục kinh tế, vừa tiến hành 2 cuộc chiến tranh chống xâm lược ở biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đồng thời lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất của CNXH, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế mới, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, việc duy trì lâu dài mô hình, cơ chế kinh tế tập trung bao cấp không còn phù hợp và bộc lộ nhiều hạn chế, nhược điểm. Việc hoạch định và thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa có lúc, có nơi đã mắc sai lầm, khuyết điểm, chủ quan, duy ý chí. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm đầu cả nước đi lên CNXH.
Trước những thách thức của thời kỳ mới, Đảng ta đã tổng kết thực tiễn, tìm tòi, hoạch định đường lối đổi mới, ban hành Nghị quyết số 21 ngày 20.9.1979 của Hội nghị Trung ương 6 (khóaIV) về "Phương hướng nhiệm vụ phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương"; Chỉ thị 100 - CT/TW ngày 13.1.1981 của Ban Bí thư về "Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp"; Quyết định 25 - QĐ/CP ngày 21.1.1981 của Chính phủ về đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa V (tháng 6.1985) thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa; Kết luận của Bộ Chính trị tháng 8.1986 về 3 quan điểm kinh tế trong tình hình mới...
Tại Hải Dương, trong 10năm nước nhà thống nhất (1975 -1985), Đảng bộ tỉnh đã chủ động vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn địa phương. Đảng bộ đã động viên cán bộ, nhân dân trong tỉnh phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong từng giai đoạn cụ thể. Đảng bộ tỉnh tích cực phát huy thế mạnh, khả năng vốn có, khắc phục khuyết điểm, từng bước tháo gỡ khó khăn tạo nên những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội ở địa phương. Nông nghiệp phát triển toàn diện. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được giữ vững, có chuyển biến tốt. Xuất nhập khẩu tăng nhanh, tạo thêm vốn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản, phục vụ đời sống. Thành tích nổi bật là cải thiện rõ rệt đời sống nhân dân. So với năm1975, tổng sản phẩm xã hội năm 1985 tăng 13,2%, thu nhập quốc dân tăng 13,1%; giá trị tài sản cố định mới tăng 56,8%; bình quân lương thực theo đầu người tăng 13%.
Thực hiện đổi mới toàn diện đất nước
Nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, Đại hội VI của Đảng đã quyết định sự nghiệp đổi mới, coi đó là cơ sở khoa học để xác định đúng chính sách và cơ chế lãnh đạo, quản lý đất nước.
Theo đó, Đảng ta quyết định thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần; đồng thời đổi mới chính sách xã hội, hướng vào những giải pháp nhằm cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân. Đây là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta.
Trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng, Nhà nước tiếp tục có những quyết sách rất quan trọng để vượt qua khó khăn, thách thức mới nảy sinh, đưa đất nước phát triển, điển hình như Luật Đầu tư nước ngoài được Quốc hội khóa VIII thông qua tháng 12.1987, có hiệu lực từ ngày 1.1.1988, tạo động lực lớn cho thu hút đầu tư vào Việt Nam; Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (năm 1988) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, giao ruộng đất cho các hộ nông dân sử dụng lâu dài, tạo bước phát triển lớn chưa từng có trong nông nghiệp...
Trong thập niên 90 của thế kỷ XX, công cuộc đổi mới được triển khai tích cực. Đại hội VII của Đảng (tháng 6.1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và Chiến lược ổn định, phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000. Đại hội xác định đường lối đối ngoại: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Đây là bước phát triển mới về nhận thức lý luận của Đảng.
Thời kỳ này, đất nước chuyển mạnh sang phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong nhiệm kỳ khóa VIII, Trung ương Đảng quyết định chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ (tháng 12.1996); chiến lược cán bộ (tháng 6.1997); đường lối phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (tháng 7.1998); tích cực thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia có trách nhiệm trong ASEM, APEC.
Đại hội IX của Đảng (tháng 4.2001) chủ trương phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đề ra Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010.
Đại hội X của Đảng (tháng 4.2006) đã ban hành những nghị quyết quan trọng về đổi mới tổ chức bộ máy, cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị; về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020; chính sách kinh tế khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng giai cấp công nhân, công tác thanh niên, xây dựng đội ngũ trí thức; vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân, xây dựng nông thôn mới.
Đại hội XI của Đảng (tháng 1.2011) đề ra Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (2011-2020) với những mục tiêu dựa trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.
Đại hội XII của Đảng xác định mục tiêu tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Hòa chung dòng chảy ấy, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
HD(tổng hợp)
--------------------------
Bài 5: Công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu to lớn