Chính sách ưu đãi mới, thiết thực với lao động nữ

08/02/2021 08:38

Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động có hiệu lực từ 1.2.2021.


Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 145 là các nội dung về lao động nữ (LĐN) và bảo đảm bình đẳng giới được quy định tại chương IX.

Theo quy định tại điều 78 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ; ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với LĐN trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn; thực hiện các chế độ, chính sách đối với LĐN tốt hơn so với quy định của pháp luật.

Quy định về tăng cường phúc lợi và cải thiện điều kiện làm việc tại điều 79 nêu người sử dụng lao động bảo đảm có đủ buồng tắm, vệ sinh phù hợp theo quy định của Bộ Y tế; lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp để LĐN, lao động nam có việc làm thường xuyên, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà, đào tạo nâng cao tay nghề; LĐN được đào tạo thêm nghề dự phòng phù hợp với đặc điểm cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.

Chị N.P.T. đang là công nhân của Công ty TNHH Công nghệ Vĩnh Hàn Precision ở khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) rất ủng hộ và cho rằng những chính sách về LĐN và bảo đảm bình đẳng giới tạo điều kiện tốt hơn cho LĐN. Mặc dù vậy, chị T. băn khoăn về việc triển khai một số quy định về chăm sóc sức khỏe đối với LĐN (điều 80). Cụ thể, LĐN trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của LĐN nhưng tối thiểu là 3 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động. Trường hợp LĐN không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động. Dù rất ủng hộ nhưng theo chị T. đối với những bộ phận làm theo dây chuyền, nếu công nhân nữ xin nghỉ 30 phút thì sẽ ảnh hưởng đến cả bộ phận.

Một số ý kiến cho rằng việc đó khá tế nhị nên khó kiểm tra tính trung thực trong vấn đề này.

Tại điểm a, khoản 4, điều 80 quy định LĐN trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Trường hợp LĐN có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định trên thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của LĐN. Trường hợp LĐN không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.

Quy định này nhận được sự ủng hộ của nhiều LĐN. Chị H.T.D., công nhân của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam cho rằng quy định này rất nhân văn, 60 phút rất đáng quý đối với phụ nữ nuôi con nhỏ, phụ nữ có thể tranh thủ 60 phút buổi trưa về cho con bú hoặc về sớm chăm sóc con.

HN

Theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người sử dụng lao động không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Người sử dụng lao động không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính sách ưu đãi mới, thiết thực với lao động nữ