Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Về vốn
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4.3 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Theo đó, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch này.
Về thuế
Tổng cục Thuế đã có Công văn 897/TCT-QLN ngày 3.3 về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, quy định về các đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, trình tự thủ tục gia hạn.
Theo đó, các doanh nghiệp được hướng chính sách này gồm: doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất ô tô và xe có động cơ khác… Các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch… Kinh doanh vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hộị; hoạt động kinh doanh bất động sản… Sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Ngoài ra, quy định này còn áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chịu ảnh hưởng của dịch Covid - 19.
Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn 860/BHXH-BT ngày 17.3 hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6.2020 hoặc tháng 12.2020 và không tính lãi phạt chậm nộp.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Mới đây nhất, ngày 9.4, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid.
Theo đó, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.
Miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, các tổ chức tín dụng ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) đối với khách hàng có nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23.1.2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19; khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
LÊ TRẦN (tổng hợp)