Chính sách cần biết với lao động làm việc ở nước ngoài phải về nước do dịch Covid-19

20/06/2020 13:07

Do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên thế giới thời gian qua, hơn 5.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài phải về nước.


Chuyến bay đưa công dân Việt Nam trở về từ Hàn Quốc tại sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh trong thời điểm dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Quang Thọ

Hoàn trả một số khoản chi phí và hỗ trợ

Đối với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, theo quy định của chính sách hiện hành, họ sẽ được hoàn trả một số khoản chi phí và hỗ trợ.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTP ngày 4.9.2007, người lao động được hoàn trả tiền môi giới.

Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng (thiên tai, chiến tranh, doanh nghiệp bị phá sản) hoặc không phải do lỗi của người lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm yêu cầu bên môi giới hoàn trả lại cho người lao động một phần tiền môi giới người lao động đã nộp theo nguyên tắc: người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. Người lao động đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới.

Trường hợp không thể đòi được của bên môi giới, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, người lao động được hoàn trả tiền dịch vụ. Đây là nội dung quy định tại Khoản 3 Mục III Thông tư liên tịch số 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTP ngày 4.9.2007.

Cụ thể, trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp chỉ được thu tiền dịch vụ theo thời gian (số tháng) thực tế người lao động làm việc ở nước ngoài.

Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Trên cơ sở tổng hợp sơ bộ tình hình, ý kiến của một số doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất một số giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp.

Theo đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm; tăng cường giải quyết trực tuyến đối với đăng ký hợp đồng, cấp phép cho các doanh nghiệp.

Tạm thời dừng việc thanh tra định kỳ đối với các doanh nghiệp đến hết quý 2 năm 2020. Cục Quản lý lao động ngoài nước, Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có đơn thư khiếu nại, thắc mắc từ người lao động, thân nhân người lao động và phản ánh của cơ quan thông tấn, báo chí.

Cục Quản lý lao động ngoài nước đang phối hợp với Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước trao đổi với đơn vị chức năng của Bộ Tài chính nghiên cứu việc giãn nộp khoản đóng góp 1% số thu tiền dịch vụ của doanh nghiệp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo Quy định tại Điều 2 Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg trong thời gian dịch bệnh hoặc cả năm 2020.

Được biết, sau hơn 12 năm hoạt động, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hiện đang kết dư khoảng 240 tỷ đồng. Quỹ cũng đã hỗ trợ, xử lý các tình huống bất thường trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya đầu năm 2011, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quỹ đã tạm ứng cho ngân sách gần 15 tỷ đồng để tổ chức đưa hơn 10 nghìn lao động về nước an toàn. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người lao động với tổng kinh phí 17,1 tỷ đồng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp 9,7 tỷ đồng.

Theo báo Nhân dân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính sách cần biết với lao động làm việc ở nước ngoài phải về nước do dịch Covid-19