Ngày 11.12, chính quyền quân sự Thái Lan đã dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị, được coi là "bước chạy đà" cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 24.2.2019.
Tuyên bố của chính phủ đăng trên Công báo cùng ngày nêu rõ người dân và các chính đảng có thể tham gia vào các hoạt động vận động chính trị trong giai đoạn này cho tới ngày tổ chức tổng tuyển cử theo đúng Hiến pháp.
Chính quyền quân sự của Thái Lan đã áp đặt lệnh cấm hoạt động chính trị sau khi lên nắm quyền vào năm 2014, khẳng định quốc gia này cần luật pháp và trật tự sau nhiều tháng biểu tình kéo dài. Lệnh cấm này một lần được nới lỏng vào ngày 14.9 trước đó.
Các chính đảng được phép tổ chức một số hoạt động nhất định, ví dụ như triệu tập các cuộc họp để bầu lãnh đạo, kết nạp thành viên mới, sửa đổi các quy định của đảng và bắt đầu tiến trình lựa chọn các ứng cử viên bầu cử. Tuy nhiên, việc tiến hành chiến dịch vận động tranh cử thực sự vẫn chưa được xem là hợp pháp.
Theo lộ trình bầu cử và thành lập chính phủ do Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam công bố ngày 9.11 vừa qua, từ ngày 16-27.12 sẽ bắt đầu quy trình chọn thượng nghị sỹ. Ngày 24.2.2019 sẽ là ngày tổng tuyển cử tại 350 khu vực bầu cử và 150 hạ nghị sỹ bầu theo danh sách đảng. Hai tháng sau đó, Ủy ban Bầu cử quốc gia (EC) sẽ công bố kết quả bầu cử.
Ngày 27.4.2019, Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) sẽ đệ trình Hoàng gia phê chuẩn danh sách 250 thượng nghị sỹ. Ngày 7.5.2019, Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA) chấm dứt hoạt động. Tới ngày 8.5.2019, Quốc hội mới đi vào hoạt động trong vòng 15 ngày; ấn định ngày bầu Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện và bầu Thủ tướng mới.
Tổng tuyển cử Thái Lan nhiều lần trì hoãn vì những lý do liên quan tới các vấn đề hiến pháp và lập pháp cần thiết trước bầu cử. Sau cuộc đảo chính năm 2014, NCPO của Thái Lan đã nhiều lần ra tuyên bố ấn định thời điểm tổ chức tổng tuyển cử, tuy nhiên các mốc dự kiến ngày bầu cử liên tục bị hoãn.
Theo TTXVN