Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 117/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Ảnh minh họa: Tường Quân/TTXVN
Nghị định số 117/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 29 đấu nối vào quốc lộ. Theo đó, ngoài 3 loại đường đấu nối vào quốc lộ đã được quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP bao gồm: đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị; đường chuyên dùng; đường gom, nghị định mới bổ sung thêm đường từ các khu vực, công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội.
UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt các điểm đấu nối vào quốc lộ phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ nguyên tắc, yêu cầu đấu nối theo quy định của Bộ trưởng Giao thông vận tải; chịu trách nhiệm về việc thực hiện đấu nối bảo đảm giao thông an toàn và khả năng thông hành của tuyến đường.
Trường hợp điểm đấu nối nằm trong khu vực có địa hình khó khăn trong việc xây dựng đường gom do hành lang đường bộ bị chia cắt như núi cao, vực sâu, sông, suối, đường sắt và các chướng ngại vật khác khó khăn trong việc di dời hoặc điểm đấu nối từ các công trình phục vụ an ninh, quốc phòng, công trình trọng điểm quốc gia, công trình quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đấu nối vào quốc lộ, UBND cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải.
Trường hợp điểm đấu nối nằm trong phạm vi dự án quốc lộ đầu tư theo phương thức đối tác công tư, UBND cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan có thẩm quyền của dự án đối tác công tư.
Việc thiết kế, xây dựng nút giao điểm đấu nối phải tuân thủ theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu thiết kế đường ô tô hiện hành, bảo đảm khả năng thông hành và an toàn giao thông.
Đường từ nhà ở chỉ được đấu nối vào quốc lộ thông qua đường nhánh, đường gom. Khi hình thành hoặc mở rộng địa giới hành chính của đô thị, UBND cấp tỉnh phải sử dụng hệ thống đường địa phương hiện có hoặc xây dựng đường gom dọc theo quốc lộ nhằm giảm thiểu tối đa việc đấu nối trực tiếp vào quốc lộ.
Đối với dự án quốc lộ được xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo, nắn chỉnh tuyến hoặc xây dựng tuyến tránh, ngay từ bước lập dự án, chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải căn cứ vào các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xác định vị trí và quy mô của nút giao của đường nhánh đấu nối vào quốc lộ.
Căn cứ quyết định phê duyệt điểm đấu nối vào quốc lộ của UBND cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng điểm đấu nối lập và gửi hồ sơ đến cơ quan đường bộ có thẩm quyền xem xét, chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của điểm đấu nối vào quốc lộ.
Việc quản lý, sử dụng đất để làm đường nhánh đấu nối vào quốc lộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.
Theo TTXVN