Thượng viện Mỹ hôm nay 22.1 dự định bỏ phiếu trong nỗ lực đưa chính phủ trở lại hoạt động...
Hiện chưa rõ những nhượng bộ như vậy có đủ mạnh để huy động "siêu đa số" 60 phiếu cần thiết trong tổng số 100 phiếu để thông qua dự luật mở rộng ngân sách hay không. Tuy nhiên, ít nhất một người phản đối trước đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jeff Flake của bang Arizona, cho biết giờ đây ông sẽ đồng ý.
Chính phủ Mỹ ngưng hoạt động từ ngày 20.1 do hết tiền. (Ảnh: NCPR) |
Chính phủ Mỹ phải ngưng hoạt động từ ngày 20.1, tròn một năm Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.
Lý do là phe Cộng hòa và phe Dân chủ ở Thượng viện không đạt được sự đồng thuận về dự luật chi tiêu ngắn hạn mới. Phe Dân chủ đòi dự luật này phải bao gồm việc bảo vệ các di dân bất hợp pháp tới Mỹ từ khi còn nhỏ. Tức là, hơn 700.000 người nhập cư không giấy tờ đã vào Mỹ khi còn là trẻ em phải được bảo vệ khỏi lệnh trục xuất. Những người này, được biết đến là "Dreamers", đã được trao quyền pháp lý tạm thời theo một chương trình do cựu Tổng thống Barack Obama thiết lập. Hồi tháng 9, ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình và cho phép Quốc hội đến tháng 3 phải thay thế một chương trình khác.
Ngày 21.1, trong nỗ lực khơi thông bế tắc, Thượng nghị sĩ McConnel đã gặp lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer, để thương lượng nhưng không đạt kết quả,
Cùng ngày 21.1, Tổng thống Donald Trump nói rằng nếu chính phủ tiếp tục đóng cửa thì phe Cộng hòa nên cấp ngân sách cho chính phủ bằng cách sửa đổi luật lệ của Thượng viện hiện nay quy định cần tới "siêu đa số" phiếu để thông qua dự luật về ngân sách.
Reuters dẫn lời ông Trump viết trên Twitter: "Phe Dân chủ chỉ muốn di dân trái phép đổ vào đất nước chúng ta một cách thiếu kiểm soát. Nếu tình trạng bế tắc tiếp diễn, phe Cộng hòa nên [sử dụng giải pháp] 51% (Giải pháp Hạt nhân) để bỏ phiếu về ngân sách thật sự và lâu dài".
Tuy nhiên, đề xuất của ông Trump lập tức bị ông McConnell bác bỏ. Phát ngôn viên của Thượng nghị sĩ này khẳng định phe Cộng hòa tại Thượng viện không thay đổi luật về bỏ phiếu cấp ngân sách cho chính phủ.
Trước khi vấp phải cửa ải ở Thượng viện, dự luật mở rộng ngân quỹ cho phép chính phủ tiếp tục hoạt động đã được Hạ viện thông qua với tỷ lệ 230-197 vào tối ngày 18.1.
Theo các chuyên gia, việc chính phủ Mỹ bị đóng cửa sẽ khiến nền kinh tế quốc gia này thiệt hại hàng tỷ đôla. Theo phân tích của Standard & Poor, lần gần đây nhất khi chính phủ đóng cửa trong 16 ngày vào năm 2013 đã khiến Mỹ bốc hơi 6 tỷ USD mỗi tuần, GDP giảm 0,25%. Khoảng 800.000 nhân viên liên bang tạm nghỉ việc và nhận lương muộn, kéo theo mức chi tiêu giảm bớt khoảng 7%.
Trong khi đó theo Fortune, ngành du lịch cũng bị tác động nặng nề bởi các công viên quốc gia đóng cửa, thiệt hại ước tính 500 triệu USD.
Đó là chưa kể nhiều hoạt động quân sự bị ảnh hưởng, trong đó có huấn luyện, bảo dưỡng và tình báo. Các công ty quốc phòng và quan chức Lầu Năm Góc than phiền rằng khó khăn trong chi tiêu liên bang sẽ làm tổn hại các nhà cung cấp nhỏ và gây khó cho các hãng lớn hơn vì tiến trình hợp đồng phải ngưng lại.
THANH HẢO (Vietnamnet)