Nghị quyết số 42 của Chính phủ yêu cầu phân loại rõ công trình cải tạo phải có giải pháp, thiết kế phòng cháy, chữa cháy; tránh thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong khai thác khoáng sản.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 4/4/2024 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2024.
Tại Nghị quyết, Chính phủ cho ý kiến đối với 3 dự án luật, 1 đề nghị xây dựng luật gồm Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ; Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; Đề nghị xây dựng Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Để hoàn thiện dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Chính phủ đề nghị Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, bảo đảm các yêu cầu sau:
Tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền, có cơ chế giám sát, kiểm tra; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan, chủ đầu tư; không gây xung đột với luật khác nhất là các luật mới ban hành; có cơ chế chuyển tiếp đối với các dự án, công trình đang trong quá trình thực hiện; đề cao công tác phòng ngừa, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; những nội dung còn chưa ổn định cần giao Chính phủ quy định nhằm bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.
Có chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ sản xuất trang, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Việt Nam.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật: thống nhất điều chỉnh hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự theo Luật Phòng thủ dân sự.
Về áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài: đề nghị rà soát, quy định bảo đảm phù hợp với điều kiện của Việt Nam; khuyến khích tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài có quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy cao hơn Việt Nam.
Về yêu cầu có giải pháp, thiết kế phòng cháy, chữa cháy đối với công trình cải tạo: tiếp tục rà soát, phân loại rõ công trình cải tạo đến mức nào mới phải có giải pháp, thiết kế phòng cháy, chữa cháy nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh gây vướng mắc trên thực tế.
Về thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục thẩm tra, thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy, nghiệm thu: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, thống nhất quy định này theo hướng đồng bộ với pháp luật về xây dựng; bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện; đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện "một cửa liên thông" để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đối với các công trình, cơ sở, phương tiện của quân đội, giao Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý, có cơ chế phối hợp với Bộ Công an...
Chính phủ cơ bản thống nhất về nội dung dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Bộ Xây dựng nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung dự thảo Luật, bảo đảm các yêu cầu như:
Làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, đánh giá những vướng mắc, bất cập, lập luận thuyết phục sự cần thiết xây dựng Luật; làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật này và mối quan hệ với các luật có liên quan.
Rà soát toàn diện dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị, khắc phục hạn chế, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn và pháp luật hiện hành theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng và lĩnh vực khác có liên quan đến đô thị, nông thôn, tránh chồng chéo, trùng lặp trong quản lý; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế với các yếu tố văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.
Làm rõ nội hàm chính sách về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, phân loại quy hoạch đô thị và nông thôn; mối quan hệ giữa các loại quy hoạch đô thị và nông thôn trong hệ thống quy hoạch quốc gia và giữa quy hoạch tổng thể thành phố với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành (đây là những quy hoạch thiết yếu để phát triển tổng thể thành phố); bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tuân thủ về thứ bậc, tinh gọn tối đa về loại quy hoạch, tránh trùng lặp về nội dung giữa các quy hoạch; việc lập quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn cần dựa trên điều kiện kinh tế-xã hội, điều kiện tự nhiên, dự báo quy mô dân số, vai trò, tính chất của từng đô thị, nông thôn, nhu cầu sử dụng đất, nguồn lực…; thời hạn lập quy hoạch cần phù hợp với thời kỳ và tầm nhìn quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; có cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, không tạo gánh nặng cho ngân sách; đồng thời nghiên cứu cơ chế để kiểm soát triển khai các nguồn lực, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, chất lượng quy hoạch...
Chính phủ cơ bản thống nhất về nội dung dự án Luật Địa chất và Khoáng sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung dự thảo Luật, bảo đảm các yêu cầu sau:
Rà soát toàn diện dự thảo Luật, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương để khắc phục hạn chế, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm việc khai thác tài nguyên khoáng sản có hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, tránh thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ môi trường; giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật hiện hành theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật.
Tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương gắn với nguồn lực thực hiện; đồng thời có cơ chế kiểm soát từ sớm, từ xa của các cơ quan trung ương đối với các dự án thuộc thẩm quyền; hoàn thiện quy trình cấp phép, đăng ký, bảo đảm minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Rà soát các quy định cụ thể tại dự thảo Luật có nội dung liên quan đến các quy định pháp luật khác để tránh xung đột, mâu thuẫn, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến quy hoạch, đầu tư, đấu giá, đấu thầu, sử dụng ngân sách nhà nước, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, lâm nghiệp, di sản văn hóa…
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và mục tiêu của 06 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật; giao Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, bảo đảm các yêu cầu sau:
Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; theo sát quá trình sơ kết Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước để kịp thời cập nhật, hoàn thiện nội dung chính sách trong quá trình xây dựng Luật.
Tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao vai trò, trách nhiệm, tăng cường tính chủ động của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; hoàn thiện cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với kết quả, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thuyết minh rõ trong hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật về việc bảo đảm tính tương thích của nội dung chính sách với các Điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Rà soát kỹ tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật để thuyết minh rõ việc không quy định nội dung "sử dụng vốn nhà nước" trong tên gọi và phạm vi điều chỉnh, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý trong quá trình thi hành Luật.
Đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với việc mở rộng đối tượng áp dụng bao gồm "doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác", bảo đảm khả thi, phù hợp với Nghị quyết số 12-NQ/TW về xác định "doanh nghiệp nhà nước", "vốn nhà nước."
Về phạm vi nhà nước đầu tư vốn vào doanh nghiệp: thuyết minh rõ lý do đề xuất bổ sung phạm vi đầu tư vốn vào một số ngành nghề, lĩnh vực mới, bảo đảm thể chế hóa cụ thể, đúng đắn chủ trương của Đảng về "… tập trung giữ những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư".
Thuyết minh rõ lý do đề xuất quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đối với trường hợp giá trị đầu tư từ 5.000 tỷ đồng đến dưới 15.000 tỷ đồng; Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với trường hợp giá trị đầu tư từ 15.000 tỷ đồng trở lên...
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10 năm 2024.
T.H (theo Vietnam+)