Lập ngân sách chi tiêu
Có thể hiểu ngân sách theo nghĩa là một bài tập sắp xếp sự ưu tiên để có thể tự điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Từ đây, bạn có thể xác định những danh mục ưu tiên, phân bổ số để đảm bảo chi tiêu của bạn phù hợp cho mục đích cấp thiết, quan trọng. Việc lập ra danh sách các thứ cần phải sắm, giá cả và khoảng thời gian đi mua... cũng là một cách tiết kiệm tiền hiệu quả, giúp việc đi chợ của bạn trở nên thuận lợi, dễ kiểm soát hơn.
Thanh lý đồ dùng cũ còn tốt
Theo tâm lý của gia đình Việt, dịp Tết đến, nhiều gia chủ thích sắm các thiết bị mới trong nhà như bàn ghế, ti vi mặc dù đồ dùng vẫn còn tốt. Để tiết kiệm chi phí, bạn có thể bán cho các đại lý đồ cũ hoặc chủ hộ có mức kinh tế, đời sống thấp hơn.
Dọn đồ để chuyển nhà, chị Huệ, Hà Nội phát hiện có rất nhiều túi, quần áo, giày dép chất trong tủ mà mình chỉ dùng một, hai lần. Trước đây, từng có tháng, mẹ trẻ tiêu hết già nửa tiền lương cho việc mua sắm. Ngoài hàng thời trang, chị còn ham mua các đồ gia dụng: máy xay, kệ để đồ, móc treo, đồ làm bếp...
Chỉn chu trong mua sắm, chị ưu tiên những thương hiệu uy tín. Vừa rồi, chị phân loại những đồ dùng còn tốt mà mình ít sử dụng rao bán trên mạng. Bản thân Huệ không ngờ, chỉ sau thời gian ngắn, các đồ dùng đã được mua và nhận nhiều lời khen khi sử dụng.
Dùng ứng dụng quản lý chi tiêu
Theo Insider, nếu bạn có điện thoại thông minh, hãy tải về một ứng dụng quản lý chi tiêu. Đây là cách ghi lại nhật ký chi tiêu và quản lý dòng tiền một cách trực quan, cụ thể.
Săn chương trình ưu đãi
Cuối năm thường là dịp các trung tâm thương mại, siêu thị điện máy cùng doanh nghiệp bán lẻ... tung ra chiêu khuyến mại, giảm giá để kích cầu. Tranh thủ thời gian, bạn có thể dạo qua những cửa hàng, lướt web tìm hiểu chương trình.
Theo VnExpress