Bài thơ mở đầu bằng một câu thơ thật bâng khuâng hư ảo: "Em lên tỉnh bán cà phê/Tôi tìm mua mảnh trăng thề thắp hương". Bán và mua là hai dạng thức trao đổi bình thường: tiền trao, cháo múc. Cái khéo của tác giả Văn Thùy chính là câu 8. Mảnh trăng thề thì mong manh khi tròn, khi khuyết... Lời thề non, hẹn bể thì như khói, như mây... Ý tứ được khơi mở, người đọc như được dự báo một điều bất ổn trong bán mua này!? Và chính tác giả cũng không có những cầu mong thông thường cho người ra đi ngày trở về phải mang theo tiền của: "Cầu cho thân gái dặm trường/ Lạy giời đừng có mang sương gió về..."
Thân gái bèo dạt mây trôi 12 bến nước ý tứ được khơi sâu thêm như một ngọn đèn soi để chỉ rõ tối sáng, đục trong... Chân thật, sâu sắc, ý tứ kín đáo luôn là cách nói của tục ngữ ca dao và thơ lục bát... Từ đây ngoại diên và nội hàm của bài thơ được khơi sâu thêm: "Quán đời ngoài tỉnh, trong mê/Khách hàng vẫn gọi cà phê pha người/Xa làng, xa xóm một thời/Mai về có nõn như hồi lúa non?".
Khổ thứ hai tứ thơ được triển khai theo hai hướng: quán đời và quán trong thân xác... "Cà phê pha người" 1àm cho người đọc chợt thấy đau nhói khi người con gái trong trắng nơi thôn dã một mình lên tỉnh dấn thân! Trước những cám dỗ của đồng tiền và không ít Sở Khanh, em gái trong trắng nhu mì kia có còn giữ được tâm hồn và thể xác như ngày đầu ra đi? Ý thơ được bắt đầu từ ca dao và được nói bóng gió hơn trong thơ Nguyễn Bính mong người mình yêu. "Từ hôm em đi tỉnh về..." có giữ được cái quê mùa hồn hậu...
Câu 8 ở khổ thơ thứ hai ông hạ bâng quơ mà làm người đọc giật mình: "Xa làng xa xóm một thời/Mai về có nõn như hồi lúa non? Khổ thơ cuối chỉ có hai câu lại hàm chứa được lời nhắn nhủ chân tình vừa biểu hiện lòng cảm thông với tấm lòng bao dung của một người từng trải trước nhiều ma lực quyến rũ... vừa tạo được cấu tứ bài thơ thêm chặt chẽ! Mũi tên của ông một lần nữa cắm thêm vào trái tim đang nhỏ máu của người đọc!
BÙI HẢI ĐĂNG
Khấn thầm VĂN THÙY |