Chiều hôm nọ, khi đi ngang qua cánh đồng vào cuối vụ gặt, tôi thấy những đụn khói bốc lên nghi ngút, mùi rơm rạ lan tỏa trong không gian. Bất giác lòng lại bùi ngùi nhớ mùi khói của lá dương liễu khô mà ngày xưa người dân quê tôi hay dùng để nhóm bếp.
Chiều hôm nọ, khi đi ngang qua cánh đồng vào cuối vụ gặt, tôi thấy những đụn khói bốc lên nghi ngút, mùi rơm rạ lan tỏa trong không gian. Bất giác lòng lại bùi ngùi nhớ mùi khói của lá dương liễu khô mà ngày xưa người dân quê tôi hay dùng để nhóm bếp.
Cây dương liễu có tên phổ thông là phi lao, sau lưng làng tôi, cả một rừng cây bạt ngàn xanh mướt đến ngút ngát tầm mắt. Những thân cây lâu năm mang lớp vỏ màu nâu xám bền bỉ, rắn chắc. Ngày nhỏ, tôi hay rủ đám bạn đến bìa rừng nhặt nhạnh những trái dương nằm vương vãi trên nền cát nóng về chơi đồ hàng. Khói của lá khô hòa với mùi củi mục khi mẹ tôi nhóm bếp cứ hăng nồng âm ấm nơi cánh mũi, lan tỏa giữa không gian mà vấn vương trong ký ức.
Tôi còn nhớ những buổi chiều theo mẹ đi sâu vào rừng dương mênh mông, cùng mẹ gom cho đầy hai gánh lá khô. Mẹ bảo rằng gom lá để dành cho mùa đông nhóm lửa thổi cơm. Lá dương lúc chưa rụng xanh mươn mướt, đến khi khô có màu nâu hơi xám, rụng đầy dưới gốc cây. Trong lúc gom lá, tôi thường tranh thủ đi tìm hái những trái cây dại mọc xen giữa bạt ngàn cây xanh. Có trái dủ dẻ vàng ươm, quả sim chín lúc lỉu trên cành, cả những chùm nhãn núi có vị chan chát, tôi hái đầy hai túi rồi mang về nhà chia cho đàn em nhỏ.
Đôi lúc đang cắm cúi hái quả dại, ngẩng đầu nhìn lên bắt gặp dáng mẹ thấp thoáng sau những tán lá, nhỏ bé và vất vả, tôi thấy thương mẹ biết bao. Nhà tôi nghèo, mẹ quanh năm chỉ trông vào thửa ruộng với vườn rau, đàn gà, mà đã dành dụm từng đồng để nuôi đàn con khôn lớn. Có bao giờ mẹ nhận ra trên trán mình đã có nhiều nếp nhăn sương gió, đôi tay gầy lấm tấm vết đồi mồi xót xa. Mẹ đã lam lũ, vất vả cả đời vì đàn con thơ dại...
Có lần tôi mải mê tìm những quả rừng ngọt lịm mà đi lạc vào vùng rậm rạp cây lá. Càng tìm lối ra càng bị lạc, tôi hối hận ngồi dưới tán một cây cổ thụ mà khóc nấc lên, rồi liên tục gọi mẹ. Tiếng gọi lan ra cả núi rừng heo hút, rồi chìm vào vô tận mà không thấy mẹ đáp lại. Tôi sợ lắm, cảm thấy trời đất như tối sầm lại và nhớ mẹ biết bao. Tôi cứ ngồi ở đó sụt sùi cho đến khi mẹ tất tả chạy đến ôm tôi vào lòng, nước mắt giàn giụa. Lưng mẹ ướt đẫm mồ hôi, hai vai còn vương lại những sợi lá khô, cánh tay gầy xước gai chảy máu... Hôm đó chập choạng tối hai mẹ con mới về tới nhà. Giờ nghĩ lại, tôi thấy lòng mình chùng xuống cùng những giọt nước mắt rưng rưng...
Cánh rừng ngày xưa người ta đã tiến hành thi công, giải tỏa. Lúc về lại quê nhà, chạy ra sau làng chỉ thấy trập trùng gió và cát, bụi bay vào cay mắt, bất giác lại thấy xuyến xao, luyến tiếc những tháng ngày đã xa. Quê tôi giờ cũng không còn ai nhóm lửa bằng lá dương khô, cuộc sống thay đổi, cách nấu nướng cũng đổi thay để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Sau lưng mẹ bóng hoàng hôn đã chập choạng, tóc trắng màu mưa nắng chen chúc trên mái đầu khắc khoải thời gian. Lòng tôi chợt hoang hoải nhớ những buổi chiều bình yên, có dáng mẹ hao gầy gánh hai gánh lá khô trĩu nặng và bước chân tôi lẫm chẫm theo sau. Bóng mẹ liêu xiêu, nghiêng nghiêng trên con đường cát trắng, những hoài niệm bất giác làm mắt tôi đổ nhòa trước hoàng hôn...
Tản văn của TRẦN VĂN THIÊN