Theo chương trình kỳ họp thứ 7, Chiều 10-6, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội về các vấn đề của ngành Tài chính.
Các nội dung lớn được các đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội quan tâm là vấn đề nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo toàn nền tài chính quốc gia; tình trạng chuyển giá, hoàn thuế sai và trốn thuế, gian lận trong kê khai thuế gây thất thu cho ngân sách Nhà nước; việc kiểm soát và bình ổn giá thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu có tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh; vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước và giải pháp thúc đẩy nhanh, hiệu quả hơn.
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, về tình hình nợ công những năm gần đây có xu hướng tăng, theo con số tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều (tỷ lệ nợ công trên GDP qua năm 2010 là 51,7%, năm 2011 là 50,1%; năm 2012 ở mức 50,8% và ước tính năm 2013 là 54,1%; hiện nay ở mức theo quy định của Quốc hội là 65%.
Vấn đề đặt ra là áp lực về vay mới để trả nợ vay cũ trong nước là tương đối lớn bởi nguyên nhân chủ yếu do thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các ngân hàng thương mại, trong khi cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng này chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn ngắn.
Về tình trạng chuyển giá, Bộ Tài chính cho biết, hành vi này làm thất thu ngân sách Nhà nước, tác động đến môi trường đầu tư của Việt Nam, làm méo mó kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và mất công bằng trong chấp hành pháp luật thuế giữa các doanh nghiệp và thôn tính cổ đông nội địa.
Trước thực trạng đó, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 2.110 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có giao dịch liên kết, tăng 66,4% so với năm 2012. Qua đó, đã truy thu, truy hoàn và phạt 988,1 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2012; giảm khấu trừ 136,9 tỷ đồng; giảm lỗ 4.192 tỷ đồng.
Trong 4 tháng đầu năm 2014, cơ quan thuế đã thanh, kiểm tra 361 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; đã truy thu, truy hoàn và xử phạt 287,2 tỷ đồng, giảm khấu trừ 17,6 tỷ đồng, giảm lỗ 1.232,5 tỷ đồng.
Đối với các hành vi sai, trốn thuế và gian lận trong kê khai, hoàn thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính chỉ rõ các hành vi sai là lợi dụng các quy định thuận lợi trong việc thành lập doanh nghiệp; lợi dụng quy định cho phép doanh nghiệp tự in ấn và phát hành hoá đơn; mua bán hàng hoá lòng vòng để hợp thức hoá hoá đơn giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hoá là nông, lâm, thuỷ hải sản qua các khâu thương mại trung gian; lợi dụng kiểm tra hàng hoá xuất khẩu theo tỷ lệ % và thanh toán tiền hàng xuất khẩu chung đường biên giới bằng tài khoản vãng lai.
Đến nay, cơ quan thuế và hải quan đã tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm túc đối với những doanh nghiệp có hành vi sai trái nêu trên. Chỉ riêng 6 tháng cuối năm 2013 đã kiểm tra 200 doanh nghiệp, phối hợp với cơ quan công an đã phát hiện 33 vụ vi phạm lớn, khởi tố 17 doanh nghiệp, truy tố 22 đối tượng, thu hồi cho ngân sách 26,784 tỷ đồng.
Về tái cơ cấu, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài chính đã triển khai xây dựng đề án và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015.
Đồng thời đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đến hết tháng 3-2014, đã có 81/108 doanh nghiệp được phê duyệt đề án tái cơ cấu.
Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, đến hết tháng 5-2014 cả nước đã sắp xếp được 5.971 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hoá 4.066 doanh nghiệp.
* Tại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, dự kiến, Bộ trưởng Bộ KHĐT, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.
LÊ SƠN (Chinhphu.vn)