Sáng 3.10, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết Viện Khoa học quốc phòng của nước này đã thành công trong vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) mới.
Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo
Đây có khả năng là hành động nhằm giành lợi thế trước cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên Mỹ - Triều dự kiến diễn ra vào ngày 5.10.
Vụ phóng tên lửa thứ 11
Tên lửa đạn đạo Pukguksong-3 của Triều Tiên được phóng đi theo phương thẳng đứng vào sáng 2.10 tại vùng biển ngoài khơi vịnh Wonsan. Theo KCNA, vụ phóng đã xác nhận về mặt khoa học và kỹ thuật các chỉ tiêu kỹ thuật và chiến lược chủ chốt của loại tên lửa đạn đạo mới và không hề gây ra ảnh hưởng tai hại nào đối với an ninh của các quốc gia láng giềng. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un đã gửi lời chúc mừng nồng hậu tới đội ngũ các nhà nghiên cứu tham gia vào vụ phóng. Đây là vụ phóng tên lửa thứ 11 của Triều Tiên từ đầu năm đến nay.
Ngay sau khi Triền Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) đã triệu tập cuộc họp khẩn đồng thời cho biết đang theo dõi sát sao tình hình. Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản (NSC) đã họp để phân tích các vụ thử tên lửa của Triều Tiên và bàn cách thức đối phó với vụ việc. Trong cuộc họp báo đột xuất, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga xác nhận tên lửa đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này tại khu vực vùng biển phía đông tỉnh Shimane. Theo ông Suga, Triều Tiên đã bắn 2 tên lửa đạn đạo, trong đó một tên lửa đã rơi xuống vùng EEZ của Nhật Bản vào lúc 7 giờ 27 (giờ địa phương).
Nhận định về vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng đây là hành động vi phạm nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Ông Abe cho biết Tokyo lên án mạnh mẽ vụ việc và sẽ kiến nghị biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với Triều Tiên. Thủ tướng Abe nêu rõ sẽ tăng cường liên kết với cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Mỹ để đối phó với vụ việc. Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng cam kết nỗ lực hết sức để bảo vệ tính mạng cho người dân nước này.
“Chiến thuật” thương lượng
Vụ phóng tên lửa lần này của Triều Tiên được tiến hành chưa đầy 1 ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân ở cấp chuyên viên với Mỹ vào ngày 5.10. Các chuyên gia phân tích cho rằng có khả năng đây là hành động nhằm giành lợi thế trước cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên Mỹ-Triều của Bình Nhưỡng.
Kế hoạch đàm phán cấp chuyên viên vốn đã được nhắc tới từ sau cuộc gặp ngắn giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom hồi cuối tháng 6 nhân chuyến thăm Hàn Quốc của ông Trump. Tuy nhiên, kế hoạch này bị trì hoãn do Mỹ-Hàn tiến hành tập trận chung, bất chấp Triều Tiên vẫn coi những cuộc diễn tập như vậy là hành động chuẩn bị cho cuộc xâm lược Bình Nhưỡng, nhất là trong bối cảnh hai miền Triều Tiên về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Đàm phán phi hạt nhân hóa đã bị đình trệ từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua và cuộc gặp cấp chuyên viên này sẽ đánh dấu việc nối lại cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ. Hướng đến cuộc gặp cấp chuyên viên sắp tới, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song kêu gọi Mỹ tiến đến đàm phán hạt nhân bằng những đề xuất mới mà Bình Nhưỡng có thể chấp nhận được, đồng thời yêu cầu dỡ bỏ các lệnh cấm vận cũng như bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất rằng một "cách thức mới" có thể giúp phá vỡ bế tắc hiện nay trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định ông có quan hệ tốt với Bình Nhưỡng.
Trước thềm cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa Mỹ và Triều Tiên, giới chuyên gia nhận định thành công của cuộc đàm phán này sẽ phụ thuộc vào sự linh hoạt về quy mô phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng cũng như các nhượng bộ kinh tế và chính trị từ phía Washington. Trên thực tế, lập trường đối lập giữa Mỹ và Triều Tiên về phương thức và lộ trình phi hạt nhân hóa vẫn tỏ ra khó dung hòa. Tới nay, Mỹ vẫn khăng khăng với lập trường yêu cầu Triều Tiên phải "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược", trước khi được dỡ bỏ trừng phạt, trái với quan điểm của Bình Nhưỡng về một tiến trình "có đi có lại" từng bước, chí ít là những động thái nhượng bộ mang tính cân xứng lẫn nhau.
Do vậy, vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên có thể hiểu như là một "quân bài" mặc cả và gây sức ép đối với Mỹ và một phần nào đó cả Hàn Quốc, khi các yêu cầu của Bình Nhưỡng không được đáp ứng. Giới phân tích cho rằng phe "diều hâu" trên chính trường Mỹ có thể sẽ tìm cách gây sức ép buộc Tổng thống Trump cứng rắn hơn trong vấn đề Triều Tiên. Dù vậy, việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên báo đảo Triều Tiên không phải là ưu tiên số 1 của ông chủ Nhà Trắng trong lúc này, khi Tổng thống Trump đang chuẩn bị cho cuộc tái tranh cử nhiệm kỳ 2 vào năm 2020. Tổng thống Trump cũng luôn tuyên bố “Mỹ không vội vàng” trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Đây có thể là chiến thuật của Mỹ thử "sức chịu đựng" của Bình Nhưỡng và "gây sức ép ngược" với Triều Tiên.
Theo TTXVN