Chiến lược phát triển thanh niên VN giai đoạn 2011 – 2020 có đề ra mục tiêu, mỗi năm giải quyết việc làm cho ít nhất 600 nghìn thanh niên.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 với mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện; có trình độ học vấn, nghề nghiệp và việc làm; hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Xây dựng thế hệ thanh niên phát triển toàn diện - Ảnh minh họa |
Một trong những mục tiêu cụ thể của Chiến lược là mỗi năm giải quyết việc làm cho ít nhất 600 nghìn thanh niên,trên 80% thanh niên được tư vấn về nghề nghiệp và việc làm. Giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đô thị xuống dưới 7% và giảm tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn xuống dưới 6%.
Đến năm 2020, có ít nhất 80% thanh niên được trang bị kỹ năng sống, kiến thức về bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình.
Đồng thời, 80% thanh niên đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; đạt 450 sinh viên trên một vạn dân; 70% thanh niên trong lực lượng lao động được đào tạo nghề; 100% thanh niên học sinh được giáo dục hướng nghiệp.
Hàng năm, bồi dưỡng và nâng cao năng lực về quản lý nhà nước cho ít nhất 20% cán bộ, công chức trẻ cấp xã; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 500 nghìn thanh niên lao động tự do và thanh niên lao động ở các khu công nghiệp, khu kinh tế; tư vấn pháp luật cho 300 nghìn thanh niên nông thôn, miền núi, thanh niên dân tộc thiểu số.
Huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển thanh niên
Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra một loạt các giải pháp, trong đó có việc tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chú trọng bồi dưỡng năng lực làm việc độc lập, sáng tạo; kỹ năng thực hành, khả năng lập thân, lập nghiệp của thanh niên; xây dựng quy hoạch các Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ trên các lĩnh vực.
Đồng thời, tạo bước đột phá về chất lượng đào tạo nghề để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho thanh niên từng bước hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao; ưu tiên dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ, thanh niên dân tộc thiểu số, nữ thanh niên, thanh niên khuyết tật và thanh niên vùng đô thị hóa.
Xây dựng cơ chế, chính sách phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí và trọng dụng tài năng trẻ. Ban hành chính sách để thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học tình nguyện đến công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Bên cạnh đó, tạo môi trường và điều kiện để khuyến khích thanh niên tham gia các hoạt động cộng đồng, nâng cao kỹ năng sống và làm việc cho thanh niên. Khuyến khích thanh niên tự bảo vệ mình trước các tệ nạn xã hội, các sản phẩm phản văn hóa, tệ nạn ma túy, mại dâm…
Nhà nước đầu tư ngân sách bảo đảm cho phát triển thanh niên; khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội, thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài cho phát triển thanh niên.
(Nguồn: Chinhphu)