Ngày 30-4-1975: Tổng công kích vào nội thành Sài Gòn, đánh chiếm các mục tiêu chiến lược. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Nhân dân Sài Gòn kéo về dinh Độc Lập chào mừng quân giải phóng. Ảnh: Quang Thành-TTXVN |
Sáng ngày 30-4-1975, Đại sứ Mỹ Martin chạy khỏi Sài Gòn. 5 giờ sáng ngày 30-4-1975, bộ đội ta trên các hướng ào ạt tiến vào nội đô Sài Gòn.
Trên hướng Tây Bắc:
Quân đoàn 3, binh đoàn thọc sâu từ các vị trí triển khai nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu đã định.
Trung đoàn 24 cùng một tiểu đoàn của Lữ đoàn 273 thiết giáp, từ 6 giờ 30 phút, đã nổ súng đánh chiếm ngã tư Bảy Hiền, sau đó đánh thẳng vào cổng 5 sân bay Tân Sơn Nhất. Địch chống trả quyết liệt. Đến 9 giờ 30 phút, Trung đoàn chiếm được cổng 5, rồi thọc sâu bắt liên lạc với phái đoàn ta ở trại David, chiếm khu thông tin, Bộ Tư lệnh không quân và Sở Chỉ huy Trung đoàn không quân địch. Đến 13 giờ 30 phút, ta làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất.
Trung đoàn 64 có nhiệm vụ phát triển hiệp đồng với đơn vị khác đánh dinh Độc Lập, sau đó đánh chiếm các mục tiêu làm chủ quận 3, quận Phú Nhuận. Trong khi đó, các sư đoàn 316, 320 tiếp tục truy quét tiêu diệt địch và cùng lực lượng địa phương Tây Ninh, Củ Chi, Hóc Môn giải phóng các địa phương này.
Trên hướng Bắc:
Quân đoàn 1, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312) tiến công tiêu diệt địch ở Phú Lợi. Trung đoàn 209 đánh chiếm các vị trí địch ở An Lợi, Cầu Tây, Mỹ Thạch, Xóm Xoài. Trong lúc đó, Trung đoàn 141 vượt qua Trảng Bàng, đánh địch ở Lai Khê. Sau đó, quân ta tiến về Thủ Dầu Một, tiêu diệt và làm tan rã, bắt sống toàn bộ Sư đoàn 5 cùng lực lượng khác của quân ngụy tại Bình Dương, giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Dương.
Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng quân giải phóng ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu TTXVN |
Mũi thọc sâu của Sư đoàn 320B, 6 giờ 30 phút, tiến công địch ở Lái Thiêu, sau đó phát triển đánh chiếm cầu Vĩnh Bình, vượt cầu Bình Phước, mở đường tiến công, diệt và làm tan rã toàn bộ Lữ đoàn 3 kỵ binh ngụy tại cầu Bình Triệu. Sau đó, lực lượng này đã vượt ngã tư Phú Nhuận, theo đường Võ Tánh tiến thẳng vào Bộ Tổng tham mưu ngụy. Trung đoàn 48 tổ chức nhiều mũi đánh vào cổng 1, 2 và 3, hình thành thế bao vây, phối hợp Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) làm chủ Bộ Tổng tham mưu ngụy lúc 10 giờ 30 phút.
Trên hướng Tây và Tây Nam:
Đoàn 232 hoàn thành việc đánh chiếm khu vực Hậu Nghĩa và 2 bên sông Vàm Cỏ. Lực lượng thọc sâu của Sư đoàn 9 theo hướng này tiến công tiêu diệt địch. Trung đoàn 1 theo mũi thứ nhất đánh địch ở ngã ba Bà Quẹo, chiếm phân chi khu Vĩnh Lộc, đập tan địch chống cự ở ngã tư Bảy Hiền rồi làm chủ Bộ Tư lệnh biệt khu Thủ đô ngụy. Trung đoàn 3 theo mũi thứ hai tiến công tiêu diệt Sở Chỉ huy Liên đoàn 8 và tiểu đoàn biệt động quân 88 ngụy trên tuyến vành đai Đại Hàn, đánh tiểu đoàn bảo an 327 ở Nam Vĩnh Lộc, rồi tiến công chốt của tiểu đoàn 317 bảo an, tiêu diệt chi khu Bà Hom, đánh chiếm trường đua Phú Thọ, một bộ phận tiến sang hợp điểm ở Dinh Độc Lập.
Cũng trên hướng này, 5 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Trung đoàn 24 cùng đặc công tiến công tiêu diệt địch ở ngã ba Đình Hưng Đông, sau đó chiếm cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y. Đến 10 giờ 30 phút, đánh chiếm Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia và đưa một bộ phận sang hợp điểm ở Dinh Độc Lập.
Từ 5 giờ 30 phút đến 8 giờ, Trung đoàn 88 tiến công tiêu diệt đồn và phân chi khu Bà Phước, sau đó phát triển tiến công làm chủ đồn Ông Thìn, ngã ba An Phú, khu Nhà Bè.
6 giờ 30 phút, Trung đoàn 16 đánh chiếm ga An Lộc, tới 11 giờ chiếm cầu Bình Điền, sau đó một bộ phận phát triển vào nội đô.
Từ 5 giờ đến 12 giờ ngày 30-4-1975, Sư đoàn 5 tiến công tiêu diệt, bức hàng toàn bộ Sư đoàn 22 và các liên đoàn biệt động quân của địch. Sau đó, đơn vị cùng lực lượng tại chỗ đánh chiếm thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa. Các đơn vị đặc công chiếm quận Bình Chánh và đến 12 giờ chiếm được phân khu Rừng Sác.
11h30 ngày 30/4/1975, xe tăng quân giải phóng đã tiến qua cổng sắt đánh chiếm Dinh Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch. Ảnh: Mai Hưởng-TTXVN |
Từ 7 đến 9 giờ ngày 30/4/1975, Sư đoàn 6 (Quân đoàn 4) phối hợp Trung đoàn 3 (Sư đoàn 341) đánh chiếm Sở Chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy. 9 giờ, Sư đoàn 341 đánh chiếm Hốc Bà Thức, rồi từ đó tiến về Thủ Đức. Sư đoàn 7 tổ chức đội hình tiến vào Sài Gòn theo xa lộ, đánh chiếm các mục tiêu quy định như: Sở Chỉ huy Thủy quân lục chiến, căn cứ hải quân, Bộ Quốc phòng, cảng Bạch Đằng.
10 giờ 30 phút, Trung đoàn 209 đánh chiếm Sở Chỉ huy Sư đoàn 18 và khu biệt động quân của địch, sau đó phát triển vào nội đô Sài Gòn. 11 giờ, ta làm chủ Sở Chỉ huy Sư đoàn 3 không quân ngụy và sân bay Biên Hòa.
Trên hướng Đông Nam:
5 giờ ngày 30-4-1975, binh đội thọc sâu (Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn 66) được Trung đoàn đặc công 116 dẫn đường, vượt qua cầu Đồng Nai, bỏ qua cụm địch ngăn chặn ở ngã tư Thủ Đức, tiến đến cầu Rạch Chiếc lúc 9 giờ. Đơn vị tiến về xa lộ Sài Gòn, đập tan cụm phòng ngự của bộ binh, cơ giới địch ở đây, tiến thẳng vào nội đô.
Binh đoàn hỗn hợp của Quân đoàn 2 chiếm Dinh Độc Lập lúc 10 giờ 45 phút, bắt toàn bộ ngụy quyền Trung ương, buộc chúng tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
11 giờ 30 phút ngày 30-4/-, cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.
Trong ngày 30-4-1975, ta đã làm chủ toàn bộ các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế trong nội thành Sài Gòn.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã kết thúc 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ chống ngoại xâm của dân tộc ta mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước.
Cùng ngày 30-4-1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã gửi điện tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Sài Gòn-Gia Định. Bức điện viết: “Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn-Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn-Gia Định, đưa Chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng”.
TTXVN