Quốc phòng

Chiến đấu cơ, UAV của nhiều nước tham dự triển lãm quốc phòng

VN (theo VnExpress) 19/12/2024 09:34

Máy bay cường kích, CASA, UAV cảm tử, thiết bị trinh sát phóng xạ... cùng nhiều mô hình máy bay chiến đấu xuất hiện tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024.

Các hãng công nghiệp quốc phòng hàng đầu Nga, Mỹ, Israel đem đến Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024 nhiều sản phẩm máy bay, UAV và mô hình sản phẩm chiến đấu cơ tối tân.

Máy bay TP-150 là dòng sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam và Italy, phục vụ huấn luyện phi công quân sự và tuần tra. Trọng lượng rỗng máy bay là 430 kg, trần bay ở độ cao 6.400 m, tốc độ tối đa 300 km/h.

TP-150 được chế tạo hoàn toàn bằng hợp kim nhôm, trang bị hệ thống càng thu thả được và cất hạ cánh trên nhiều bề mặt đường băng. Buồng lái hai ghế ngồi, cho phép mang theo hành lý 34 kg, phù hợp với công tác huấn luyện phi công quân sự.

Flying Legend (đơn vị phát triển TP-150) cho biết bắt đầu sản xuất máy bay tại Việt Nam và TP-150 sẽ là một trong những sản phẩm đầu tiên.

Mỹ mang sang Việt Nam nhiều khí tài, trong đó có máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II. Khí tài này được thiết kế riêng cho không quân Mỹ trong nhiệm vụ tấn công mặt đất và yểm trợ cận chiến trên không. Máy bay dài 16,16 m; sải cánh 17,42 m; trọng lượng 13 tấn.

Thunderbolt II được trang bị pháo tự động quay 30 mm GAU-8 Avenger. Khung máy bay được thiết kế để có độ bền, giáp titan để bảo vệ buồng lái. Máy bay có khả năng cất và hạ cánh từ đường băng ngắn, không trải nhựa, phù hợp với các chiến dịch gần tiền tuyến.

Phi cơ do Công ty Fairchild-Republic, nay thuộc Tập đoàn quốc phòng Northrop Grumman ở Mỹ, phát triển từ những năm đầu thập niên 1970, phục vụ trong chiến tranh vùng Vịnh (chiến dịch Bão táp sa mạc).

EADS CASA C-295 là vận tải cơ chiến thuật hai động cơ được chế tạo tại nhà máy của Airbus, Tây Ban Nha, đang phục vụ trong quân đội của 30 quốc gia. Máy bay đạt tầm bay tối đa 4.600 km, có thể chở hơn 9 tấn hàng hóa các loại.

C-295 hiện là vận tải cơ hiện đại nhất trong biên chế Không quân Việt Nam. Để phục vụ lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Lữ đoàn Không quân 918 đã điều vận tải cơ C-295 vận chuyển quân và thiết bị từ Thủ đô Hà Nội đến TP Điện Biên. Tại triển lãm lần này, C-295 vận chuyển nhiều thiết bị, khí tài cỡ lớn đến sân bay Gia Lâm để trưng bày.

Trực thăng AW-189 là thế hệ máy bay tầm trung mới nhất, được đưa vào khai thác thương mại từ năm 2014, do Leonardo, Italy sản xuất. Máy bay có trọng tải cất cánh tối đa 8.600 kg; có thể chở được 16 hành khách và hai phi công; tốc độ tối đa 287 km/h với tầm bay khoảng 900 km.

Điểm vượt trội của trực thăng này là hệ thống lái tự động, cảnh báo địa hình, chống va chạm trên không. Khoang hành khách được cách âm; trang bị điều hòa; hệ thống chống rung và thiết kế 5 lá cánh quay chính mang lại sự nhẹ nhàng, êm ái cho khách hàng.

Gian hàng của Tập đoàn Airbus (Mỹ) có sự góp mặt của mô hình máy bay vận tải C295. Khí tài này được thiết kế cho nhiệm vụ vận chuyển quân và hàng hóa, tuần tra hàng hải, cảnh báo trên không, giám sát và trinh sát, tín hiệu tình báo, hỗ trợ trên không có vũ trang gần, sơ tán y tế, vận chuyển VIP và chữa cháy trên không.

C295 có thể chở 8 tấn tải trọng hoặc lên đến 70 binh sĩ với tốc độ hành trình tối đa 480 km/h; có thể tiếp nhiên liệu không đối không cho máy bay cánh cố định và trực thăng. C295 có thể di chuyển ở độ cao lên đến 9.100 m và bình nhiên liệu có thể hoạt động liên tục 13 giờ.

Airbus đã ký hợp đồng cung cấp 300 chiếc C295 cho nhiều quốc gia.

Khu triển lãm của Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện mô hình trực thăng T129 ATAK. T129 có thể được sử dụng trong nhiều vai trò, bao gồm trinh sát vũ trang, tấn công mặt đất, hộ tống, hỗ trợ hỏa lực và các nhiệm vụ phòng không tầm ngắn.

Trực thăng được trang bị khẩu pháo quay ba nòng 20 mm trên tháp pháo mũi với 500 viên đạn; 8 tên lửa chống tăng tầm xa UMTAS 160 mm; 76 tên lửa 70 mm; 16 tên lửa CIRIT 70 mm và 8 tên lửa không đối không tầm ngắn Stinger. Trực thăng có khả năng định hướng, phát hiện và ngắm tự động đến mục tiêu giúp phi công tấn công với độ chính xác cao. Cánh quạt cũng được trang bị hệ thống tác chiến điện tử trong các tình huống chiến đấu.

Mô hình của máy bay không người lái Anka-S do Hãng hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ nghiên cứu, sản xuất. Thiết bị này được thiết kế nhằm mục đích chủ yếu cho hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát hàng hải khi được trang bị radar khẩu độ tổng hợp và cảm biến điện quang/hồng ngoại.

Anka-S được trang bị động cơ diesel turbo 4 xi lanh, làm mát bằng chất lỏng; dẫn động cánh quạt ba cánh. Tốc độ hành trình 204 km/h với 30 giờ hoạt động liên tục; tải trọng lên tới 350 kg và trần bay trên 9.000 m. Thiết bị này dài 8,6 m, sải cánh 17,5 m, trọng lượng cất cánh tối đa 1,7 tấn. Anka-S đã phục vụ trong Không quân Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2018.

Việt Nam cũng mang đến triển lãm nhiều sản phẩm. Trong đó có UAV M400-CT2 được thiết kế làm mục tiêu bay cho huấn luyện. Với sải cánh 3,2 m, chiều dài 2,8 m, chiều cao 1,1 m và trọng lượng cất cánh tối đa 110 kg, M400-CT2 có tải trọng hiệu quả tối đa 10 kg. UAV này đạt tốc độ hành trình từ 200-220 km/h, tốc độ tối đa 260 km/h, thời gian hoạt động 120 phút và trần bay 3.500 m.

Với tính năng linh hoạt và hiệu suất cao, M400-CT2 góp phần quan trọng trong công tác huấn luyện và nâng cao năng lực tác chiến của lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam.

UAV DIS-18 do Việt Nam phát triển, phục vụ huấn luyện, thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của hệ thống khí tài, tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa. DIS-18 sở hữu sải cánh 2,8 m, chiều dài 3,1 m, chiều cao 1,3 m, trọng lượng cất cánh tối đa 102 kg và tải trọng hiệu quả tối đa 5kg.

UAV này đạt tốc độ tối đa 360 km/giờ, bán kính hoạt động 100 km, thời gian bay 60 phút và trần bay 5.000 m. Hệ thống dẫn đường GNSS và INS bảo đảm khả năng vận hành chính xác, cùng khả năng cất, hạ cánh trên đường băng. Ngoài ra, DIS-18 còn được trang bị hệ thống quang, ảnh nhiệt, thấu kính phản xạ, mồi nhiệt hồng ngoại, khói...

Thiết bị trinh sát phóng xạ đường không do Nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng nghiên cứu, chế tạo. Thiết bị này được sử dụng trong các nhiệm vụ cần đo suất liều phóng xạ trong không khí, phân tích phổ tín hiệu, xác định đồng vị phóng xạ và gửi thông tin về Sở chỉ huy. Mỗi bộ thiết bị trinh sát có thể hoạt động độc lập hoặc kết hợp hai hoặc ba thiết bị với nhau theo bài toán trinh sát được đặt ra.

Thiết bị này có thể bay với tốc độ 50 km/h, trần bay 1000 m. Cự ly liên lạc lên đến 5 km, với thời gian di chuyển 60 phút, mang được tải trọng 7 kg.

UAV cảm tử (đạn tuần kích) VU-C2 do Viettel phát triển, được trang bị đầu đạn và đầu tự dẫn quang điện tử, tích hợp trí tuệ nhân tạo, cho phép tìm kiếm, phát hiện và khóa mục tiêu tự động. Thiết bị này có thể khai hỏa bằng thao tác tấn công mục tiêu khi có lệnh của người chỉ huy.

UAV sải cánh 1,5 m, chiều dài 1,1 m, trọng lượng cất cánh tối đa 8 kg, thời gian hoạt động liên tục 40 phút, đạt tốc độ tấn công mục tiêu tối đa lên hơn 130 km/giờ. Toàn bộ hệ thống bao gồm máy bay và hệ thống phóng có khối lượng nhẹ, có thể tháo lắp nhanh giúp người lính dễ dàng triển khai mang vác và cơ động.

UAV - BXL.01 do nhà máy Z131, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thiết kế, chế tạo. Đây là UAV cảm tử, mang đầu nổ lõm xuyên giáp, có thể tiêu diệt các mục tiêu như xe tăng, thiết giáp, pháo tự hành, trạm radar và phương tiện kỹ thuật bọc thép ở trạng thái cố định với vỏ giáp có độ dày dưới 250 mm. Khối lượng cất cánh tối đa 10 kg, mang đầu nổ 1,2 kg, trần bay 1.000 m, tốc độ bay 100-120 km/h và hoạt động cự ly liên tục 10 km.

VN (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Chiến đấu cơ, UAV của nhiều nước tham dự triển lãm quốc phòng