Ngôi sao Pac Man trên bầu trời phương Nam, Con sứa ma quái sống lại từ cõi chết, "Xưởng đóng tàu" khổng lồ của các thiên hà cổ đại… là những cấu trúc không gian kỳ lạ nhất được phát hiện trong năm 2021.
Ngôi sao Pac Man trên bầu trời phương Nam. Vật thể, có tên chính thức là N 63A, là sản phẩm của một ngôi sao bị sụp đổ dưới sức nặng của chính nó trong Đám mây Magellan Lớn không xa, nằm cách Dải Ngân hà 163.000 năm ánh sáng. Sự phân tán kết quả của khí siêu nóng tình cờ đã tạo nên hình dạng giống Pac Man.
"Con sứa ma quái" sống lại từ cõi chết. Các cụm thiên hà là những cấu trúc lớn nhất từng được biết đến trong vũ trụ liên kết với nhau bởi lực hấp dẫn. Chúng có thể chứa hàng nghìn thiên hà, những đám mây khí nóng khổng lồ phát sáng mang hình dạng của một hoặc hai con sứa. Trong cụm thiên hà Abell 2877, nằm trên bầu trời phía Nam cách Trái Đất khoảng 300 triệu năm ánh sáng, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra "một con sứa" như vậy. Cấu trúc vũ trụ này rộng hơn 1 triệu năm ánh sáng và chỉ có thể nhìn thấy trong một dải ánh sáng vô tuyến hẹp.
Hành tinh siêu hiếm trong Orion. Các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng thuyết phục cho thấy loại hành tinh hiếm nhất trong vũ trụ - 1 thế giới đơn lẻ quay quanh 3 ngôi sao cùng một lúc - đang nằm trong chòm sao Orion. Hệ thống sao - được gọi là GW Orionis (hay GW Ori) và nằm cách Trái đất khoảng 1.300 năm ánh sáng - là một mục tiêu hấp dẫn để nghiên cứu. Với 3 vòng màu cam đầy bụi lồng vào nhau, hệ thống này trông giống như một con mắt bò khổng lồ trên bầu trời. Tại trung tâm của con mắt đó là 3 ngôi sao - hai ngôi sao bị khóa trong quỹ đạo nhị phân chặt chẽ với nhau, và ngôi sao thứ ba xoáy rộng xung quanh hai ngôi sao kia.
Khẩu đại bác phóng năng lượng hình xoắn ốc. Năm 2021, các nhà khoa học ghi lại một hình ảnh về luồng vật chất và năng lượng khổng lồ có cấu trúc hình xoắn ốc phóng ra từ trung tâm của hố đen. Tia này kéo dài 8.000 năm ánh sáng từ hố đen nằm ở trung tâm của thiên hà.
Hàng rào “vô hình che chắn trung tâm Dải Ngân hà. Trung tâm của Dải Ngân hà có chức năng giống như một máy gia tốc hạt khổng lồ, bắn các chùm vật chất tích điện được gọi là tia vũ trụ ra ngoài không gian với tốc độ gần bằng ánh sáng. Theo nghiên cứu được đăng tải ngày 9.11 trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một điều khó hiểu: Ngay cả khi các tia vũ trụ phun ra khỏi trung tâm thiên hà, một “hàng rào” bí ẩn đã che chăn, không cho các tia vũ trụ tới không đi vào trung tâm thiên hà của chúng ta.
“Xưởng đóng tàu” khổng lồ của các thiên hà cổ đại. Trong một nghiên cứu ngày 26.10 trên tạp chí Astronomy & Astrophysics, các nhà khoa học đã chia sẻ việc phát hiện ra một “xưởng đóng tàu” khổng lồ, nơi xây dựng các thiên hà, tương tự như nơi dải Ngân hà của chúng ta đã lớn lên. Cấu trúc khổng lồ này chứa hơn 60 thiên hà và cách Trái Đất 11 tỉ năm ánh sáng. Các cụm sao như thế này hình thành trong các vùng không gian nơi các sợi khí dài, đan chéo nhau, cung cấp một nhóm hydro cho lực hấp dẫn để kết tụ lại thành các ngôi sao và thiên hà.
Lỗ hổng rộng 500 năm ánh sáng trong Dải Ngân hà. Hai đám bây khí xuất hiện cạnh nhau trong Dải Ngân hà. Được gọi là “cụm phân tử”, các vùng rộng lớn của đám khí hình thành ngôi sao này trải dài trên bầu trời, dường như tạo thành cầu nối giữa các chòm sao Kim Ngưu và Perseus. Đó là một câu chuyện thiên đường về tình yêu vượt qua các vì sao - và theo nghiên cứu gần đây, nó cũng là một ảo ảnh quang học khổng lồ. Các bản đồ 3D mới về vùng kể trên cho thấy những đám mây này cách nhau khoảng 500 năm ánh sáng.
Đường hầm từ tính xoắn bao quanh Hệ Mặt trời. Trái Đất, cùng với phần còn lại của hệ mặt trời và một số ngôi sao gần đó, có thể bị mắc kẹt bên trong một đường hầm từ trường khổng lồ và các nhà thiên văn học không biết tại sao. Trong một bài báo, các nhà thiên văn học cho rằng, đường hầm này gồm các tua từ tính khổng lồ, dài 1.000 năm ánh sáng và không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Hình ảnh đầu tiên về một ngôi sao hình sợi mỳ spaghetti. Khi một ngôi sao bay quá gần hố đen, lực hấp dẫn cực lớn của hố đen sẽ kéo ngôi sao thành hình sợi mì dài spaghetti. Tháng 5.2020, các nhà nghiên cứu đã chứng kiến quá trình phức tạp này lần đầu tiên xảy ra trực tiếp, khi một hố đen nằm cách Trái Đất 750 triệu năm ánh sáng và nặng gấp 30 triệu lần khối lượng của mặt trời mắc kẹt một ngôi sao đi qua nó.
“Túp lều bí ẩn” ở phía xa của Mặt Trăng. Tàu thăm dò Yutu 2 của Trung Quốc đã phát hiện ra vật thể hình khối bất thường vào ngày 29.10. Vật thể này nhô ra ngay phía trên một đường chân trời đồng nhất và được gọi là “túp lều bí ẩn”. Đó có phải là một đài tưởng niệm của người ngoài hành tinh hay chỉ là một trong số các tảng đá trên Mặt Trăng? Tàu thăm dò Yutu sẽ mất 2-3 tháng để đến gần và xem xét xem đó là vật thể gì.
Theo VOV