Thời gian có thể làm chiếc võng cũ đi nhưng hình ảnh của cụ ông có lẽ còn mãi trong lòng cụ.
Chưa bao giờ chị em tôi lại háo hức được bố mẹ cho về quê chơi như lần này. Vì vậy, mặc dù đến cuối tuần bố mẹ mới đưa chúng tôi về được nhưng em Bon đã nhanh nhảu gấp quần áo và chuẩn bị đống đồ chơi để cả vào ba lô. Đã rất lâu vì dịch Covid-19 mà chúng tôi không về quê, được nằm trong lòng nghe cụ kể chuyện cổ tích.
Cụ tôi nước da đồi mồi, hàm răng đen nhánh vì cụ rất hay ăn trầu. Lần nào về quê chúng tôi cũng hăng hái vặt cau và hái lá trầu cho cụ. Cu Bon còn thích giã trầu trong chiếc cối nhỏ xíu bằng đồng. Cụ yêu chúng tôi lắm. Mỗi lần về quê có thứ gì ngon cụ đều dành cả cho hai chị em. Khi thì hộp bánh, lúc thì quả na, quả bưởi, thanh chocolate. Mẹ tôi kể, ngày xưa cụ là "hoa hậu" của làng. Cụ có nước da trắng, mái tóc mềm, dài óng ả. Cụ được nhiều trai tráng trong làng ngỏ lời nhưng lại thích cụ ông vì hồi đó cụ ông là bộ đội. Cụ ông không đẹp trai nhưng hiền lành và khỏe mạnh...
Cuối tuần, ngồi trên ô tô để về quê, cu Bon luôn miệng hỏi. Nó thắc mắc vì sao tên gọi làng của cụ tôi là Tó? Vì sao kênh mương mùa này lại ít nước? Hoa dại đẹp thế kia sao không đem đi bán... Về đến nhà, nó chạy ngay vào với cụ quên cả ba lô với đống đồ chơi mà nó thích ở trên xe, báo hại tôi phải vác thay nó nặng trĩu tay. Cụ đã ngồi dưới hiên nhà để đón chúng tôi. Ông bà tôi bảo, biết hai đứa về nên cụ mong suốt. Sáng sớm đã ra hiên ngồi chờ và liên tục bắt ông bà tôi gọi điện xem chúng tôi về đến đâu rồi.
Buổi trưa, sau khi cả nhà ăn cơm xong, cu Bon nhanh nhảu leo ngay lên võng nằm cạnh cụ, còn tôi lấy ghế ngồi cạnh, mân mê đôi tay gầy guộc, da mỏng đồi mồi của cụ. Điều tôi thấy lạ là chiếc võng đã bị rách nhiều chỗ, vá chằng, vá đụp mà cụ vẫn thích nằm. Tôi hỏi thì cụ đang nói chuyện với cu Bon rôm rả bỗng ngừng lại một lát không nói gì. Đúng lúc ấy mẹ gọi sang nhà bác Lan nên tôi không kịp nghe cụ giải thích.
Mải chơi nên mấy ngày sau lên thành phố, tôi mới đem thắc mắc này hỏi mẹ. Mẹ bảo, ngày xưa mẹ cũng thắc mắc điều ấy. Thậm chí còn mua cho cụ hẳn một chiếc võng mới nhưng cụ không dùng. Sau nghe ông ngoại kể mẹ mới biết chiếc võng ấy là quà tặng của cụ ông. Năm ấy, cụ ông đi bộ đội, thỉnh thoảng mới được về thăm nhà. Lần ấy, trước khi tham gia vào một trận chiến ác liệt, cụ ông được về thăm nhà và tặng cụ chiếc võng. Sau lần ấy cụ ông hy sinh và chiếc võng trở thành kỷ vật thiêng liêng. Tuổi thơ của mẹ được bà và cụ ru ngủ cũng trên chiếc võng ấy. "Chiếc võng rất quý với cụ nên các con mỗi lần về chơi phải biết gìn giữ, đừng làm hỏng chiếc võng của cụ", mẹ tôi nói.
Nghe xong câu chuyện của mẹ, chúng tôi mới hiểu vì sao mùa hè năm ngoái về chơi, cu Bon làm đứt dây võng, cụ lại mắng và khóc. Tôi cũng thấy hối hận vì giận cụ mà đến mấy tuần sau không đòi về quê nữa. Có lẽ chiếc võng là nơi cụ tôi có thể tìm sự bình an, nơi gợi lại những kỷ niệm đối với cụ ông đã hy sinh ở nơi xa.
Thời gian có thể làm chiếc võng cũ đi nhưng hình ảnh của cụ ông có lẽ còn mãi trong lòng cụ. Hè năm nay, nhất định chúng tôi sẽ về thăm cụ thật lâu, ở bên cụ và nằm võng nghe cụ bỏm bẻm nhai trầu kể chuyện cổ tích. Cu Bon còn có sáng kiến hai chị em sẽ giúp cụ khâu lại những chỗ võng bị rách và trang trí cho đẹp hơn nữa.
ĐẶNG YẾN NHI
(Lớp 8I, Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Hải Dương)