Chiếc mũ 16 tỷ và chuyện hồi hương cổ vật Việt

31/10/2021 10:03

"Ước gì chiếc mũ đấu giá cực cao vừa rồi và nhiều cổ vật Việt khác do người nước ngoài trúng đấu giá; vào tay những bảo tàng, những nhà sưu tầm càng nổi tiếng càng tốt".


Chiếc mũ quan triều Nguyễn vừa được mua với giá 600.000 euro (16 tỷ đồng) - mức giá kỷ lục cho một cổ vật của Việt Nam. Ảnh: Balclis

"Đưa cổ vật hồi hương mà để nằm trong bóng tối, nhà kho tồi tàn, không bảo đảm việc bảo quản nói chi đến chuyện trưng bày quảng bá thì càng không nên hồi hương".

Đây là câu nói của chuyên gia cổ vật Trần Đình Sơn, tác giả sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn và nhiều công trình về cổ vật Việt Nam. Quan điểm của ông Trần Đình Sơn dường như "trái chiều" so với rất nhiều ý kiến cho rằng cổ vật Việt cần phải hồi hương.

- Ông nghĩ thế nào về mong muốn của nhiều người về việc đưa chiếc mũ được đấu giá 16 tỷ đồng về Việt Nam?

- Dường như người ta đang quan trọng bởi cái giá quá cao và nhầm tưởng thuộc hàng quốc bảo. Mũ kia cũng quý nhưng của một vị quan thôi, không quan trọng lắm đâu. Nếu là một quốc ấn hay nhiều đồ vật húy tiếu của hoàng triều bị ăn cắp giai đoạn chiến tranh thì khác, chứ cái mũ đó không có gì ghê gớm lắm, giá cả lại mắc như vậy thì hồi hương về làm gì.

Với cái mũ này, điều cần biết nhất chính là chủ nhân của nó để có cách ứng xử. Chuyện giao dịch hiện vật văn hóa giữa Việt Nam với các nước phương Tây diễn ra từ rất sớm, có thể từ thời các chúa Nguyễn. Những người phương Tây hợp tác với triều đình được cấp phẩm phục. Ví như những công thần người Pháp thời Gia Long từng được cấp như vậy, và họ đem về nước. Nhiều sứ thần hay các vị của chính quyền bảo hộ cũng đều được xếp theo phẩm trật và được tặng triều phục như thế...

Đây cũng là một nguồn người ta đem về chính thống chứ đâu phải của mình thất thoát đâu. Còn mũ được xác định của một danh nhân lịch sử nào đó thì rất nên mua. Của các vị quan bình thường hay là tặng phẩm cho các vị sứ thần... thì cứ để trong các bộ sưu tập, trong các bảo tàng nước ngoài, nó vẫn là "made in Việt Nam", vẫn đóng vai trò quảng bá văn hóa Việt đối với những ai chưa có điều kiện đến Việt Nam.

- Còn về mong muốn người nước ngoài đấu giá cổ vật Việt Nam giá càng cao càng tốt?

- Tôi cho rằng cổ vật Việt, trừ những gì được đánh giá rất cần phải tìm cách đưa về lại Việt Nam, số còn lại việc mua bán, sưu tầm trên thế giới với giá càng cao càng mừng, nằm trong các bộ sưu tập càng nổi tiếng càng tốt. Vì đó là cách khiến cho giới chơi đồ cổ trên thế giới chú ý đến đồ cổ của Việt Nam, mỹ thuật cổ Việt Nam và rộng ra là văn hóa Việt Nam. Nó nằm đâu thì cũng là đồ Việt, đều là sản phẩm văn hóa của cha ông chúng ta. Có nằm ở Anh, ở Mỹ, ở Nhật thì người ta xem vẫn thấy đó là đồ Việt. Đó là chưa kể nhờ được lưu giữ ở các nước mà bây giờ cổ vật mới còn tồn tại được như vậy.


Chiếc áo mãng bào tứ linh triều Nguyễn được mua với giá khoảng 930 triệu đồng. Ảnh: Balclis

- Vậy chuyện hồi hương cổ vật, theo ông nên như thế nào?

- Vấn đề mua cổ vật Việt từ nước ngoài về lại Việt Nam, theo tôi cần phải được nhìn nhận lại, để tránh trường hợp người ta đi từ cực đoan này đến cực đoan khác. Trước đây, những đồ vật kia từng được xem là di sản phong kiến hủ bại, đốt bỏ đập phá chẳng thương tiếc gì. Khi thì người ta lại đòi mua khắp nơi trên thế giới đem về. Có người lại cho rằng cổ vật Việt thì Nhà nước phải mua hết đem về bảo tàng. Tiền đâu mà mua cho nổi.

Chúng ta đang có hệ thống cổ vật quý hiếm, đại diện cho hầu hết các giai đoạn lịch sử trong các bảo tàng từ Bắc đến Nam, nào có trưng bày hết đâu, có phát huy được nhiều đâu.

Chúng ta hiện có những bảo tàng chuẩn mực do Pháp xây dựng, như Bảo tàng Lịch sử ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Còn ở Huế, cổ vật triều Nguyễn có nhiều ngàn món vô cùng quý hiếm còn chất trong kho, sau năm 1975 đã từng bị sập, hư, vỡ rất nhiều. Trải qua mấy chính thể, cổ vật triều Nguyễn vẫn tạm bợ trong một cung điện cổ, chứ có xây được một bảo tàng trưng bày bài bản đâu. Như thế đặt vấn đề tốn nhiều tiền rước món đồ quý về trong khi nhiều đồ quý trong kho im lìm thì hồi hương làm gì?

Đâu phải cái gì cổ vật Việt Nam phải đem về Việt Nam? Phải để cho những cổ vật có thể nằm chỗ này chỗ kia, sau này còn hy vọng chỗ này mất thì chỗ kia còn.  Dĩ nhiên có những vật cần thiết đưa về Việt Nam thì phải tìm cách, thậm chí có thể bằng con đường ngoại giao hoặc luật pháp quốc tế chẳng hạn...

Cho nên những điều đó cần bàn bạc cho kỹ để có chính sách đối với cổ vật Việt ở bên ngoài. Đồng ý là cần mua thêm đưa về nhưng mua thêm cái gì cần thiết chứ ngân sách đâu bỏ ra không đúng chỗ như vậy, trong khi trong nước rất cần đầu tư vào những công trình thiết yếu cho quốc kế dân sinh.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiếc mũ 16 tỷ và chuyện hồi hương cổ vật Việt