Trận đánh bốt Linh Xá đêm ấy diễn ra hết sức nhanh gọn. Sau khi một số tên cố thủ bị tiêu diệt, bọn cai đội và lính tráng giơ tay xin đầu hàng. Bộ đội địa phương cùng du kích ào vào thu vũ khí, quân trang quân dụng. Một số đồng chí áp giải hàng binh ra bờ đê sông Kinh Thầy. Thuyền đã chờ sẵn chở chúng sang bên kia sông. Các bốt địch lân cận câm họng. Quân ta vui sướng, nhưng giữ nghiêm quân luật. Tất cả yên lặng, khẩn trương. Trời đã tờ mờ sáng. Phải làm gọn mọi việc trước khi rút vào căn cứ...
Một nữ du kích là một tay chèo giỏi chở chuyến thuyền cuối cùng vừa áp vào bờ sông. Chị bước lên, vịn vào lùm tre chân đê, thì có tiếng gọi rất nhỏ: "Hồng! Có phải em không?". Người đó rẽ xuống dắt tay Hồng: "Anh đây!". Thì ra là Thái, chiến sĩ đại đội 921, vừa ở tốp quân chủ lực tiêu diệt bốt. Hồng nói rất khẽ: "Em đánh ở mũi chợ Rồng lên. Không ngờ lại gặp anh... Thôi, đi nhanh cho kịp đơn vị!..." Thái vẫn dang tay ra ôm vòng lấy cô người yêu. Hồng nhẹ nhàng nhắc Thái: "Để khi khác!... Đi nhanh, kẻo đơn vị kiểm tên, thấy vắng lại cho người đi tìm!". Thái rút trong túi áo ngực ra một mẩu vải trắng nhỏ như cái khăn mùi xoa có thêu viền chỉ đỏ: "Quà em tặng, anh luôn để bên trái tim anh". Tức thì, Hồng cũng rút ra khoe. Hai mẩu khăn bằng nhau. Hồng đã kỳ công thêu hai chữ T-H lồng vào nhau. Mỗi người giữ một với lời ước hẹn "cấm được quên nhau".
Hai người đeo chéo súng qua vai, cùng đi hướng về vị trí tập kết. Trời dường như sáng hơn. Muôn ngàn vì sao nhấp nháy như chia vui cùng họ.
Chợt, từ bốt Trung Hà, địch xả vu vơ một tràng súng liên thanh. Thật bất ngờ, một viên đạn xuyên qua đùi phải của Thái. Hồng quay lại ôm ngang người: "Anh cố nhịn đau nhé. Em có băng cá nhân đây rồi..." Mấy đồng chí ở phía trên đã quay trở lại. Chỉ trong ít phút, Hồng lại xuống thuyền, cùng hai chiến sĩ đại đội 921 đưa Thái vượt sông sang Chí Linh. Thái được cáng lên bờ rồi. Một mình Hồng quay con thuyền trở lại, nước mắt giàn giụa, miệng cô nấc nghẹn.
Hồng và Thái xa nhau từ đấy. Mối tình đầu giữa anh chiến sĩ trẻ măng với cô du kích xinh đẹp do chiến tranh mà tan vỡ.
Hòa bình lập lại rồi, qua bao nhiêu lo toan vất vả, cô gái vẫn ngóng tin, nhưng thời gian cứ trôi đi vô vọng. Hồng đã tự an ủi mình, rằng là "cái số". Cô chấp nhận xây dựng gia đình với một anh bộ đội phục viên cùng quê. Một đám cưới đời sống mới hoàn toàn. Cô dâu chú rể được giới thiệu ra trước khán đài, có băng đỏ chăng ngang với dòng chữ "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ". Ông chủ tịch xã tuyên bố, rồi cặp vợ chồng mới đi từng dãy ghế rót nước chè xanh mời khách. Cuối cùng là một tràng pháo tay giòn tan: "Hoan hô!", "Hoan hô!". Mọi người giải tán. Hai anh chị kê trả bàn ghế rồi dắt tay nhau về...
Bây giờ đã ngót 70 tuổi, bà Hồng vẫn day dứt về một lời thề năm xưa "cấm được quên nhau". Tấm khăn trắng nhỏ nhoi ấy, bà quấn kỹ trong một bọc ni lông, luôn đặt ở đáy hòm quần áo. Năm mươi năm qua rồi, tất cả như đều lặn sâu trong ký ức.
Riêng về đám cưới "vui duyên mới không quên nhiệm vụ" thì bà vẫn kể lại cho con cháu nghe. Nhưng dường như các lớp trẻ ngày nay không ai tin đó là sự thực. Những năm còn bao cấp tất cả đều phải dùng tem phiếu, bà tổ chức đám cưới cho con trai, lấy bạn gái cùng học chuyên nghiệp... Xoay xở mấy chục mâm cỗ thật hết sức khó khăn. Họ hàng đến đám cưới chỉ mừng cái phích Trung Quốc, chục bát sứ hay cái chậu men... Tặng phẩm để chật mặt bàn. Mé đằng sau là tấm phông có đôi chim hòa bình với tên cô dâu chú rể. Đám cưới như thế đã là sang, nhưng nợ nần thì lâu lâu sau này mới hết.
Mấy hôm nay, bà Hồng lại vui mừng vì sắp được dự một đám cưới mới. Lần này thì bà chẳng phải lo gì cả. Bà chỉ có việc đóng vai "bà nội". Thằng cháu đích tôn của bà tốt nghiệp bác sĩ, lấy một cô bạn gái Hà Nội, cũng vừa tốt nghiệp Đại học Thương mại. Đám cưới sẽ tổ chức hoành tráng ở Thủ đô. Rồi sẽ có xe đưa bà lên. Được cái, bà tuy vất vả, hết chiến tranh đánh Pháp, đánh Mỹ, lại ăn độn mì, độn sắn, nay con cái phương trưởng, bà trông đẹp lão. Vẫn khuôn mặt duyên dáng của cô du kích năm nao, nay chỉ hằn mấy nếp nhăn mé đuôi mắt, lơ thơ vài sợi tóc bạc.
Thằng cháu đưa bạn gái về giới thiệu với bà nội. Sau câu chào hỏi, Châu - tên cháu dâu tương lai - thân mật ôm lấy bà, thốt lên lời khen:
- Ôi, bà đẹp quá! Ai dám bảo là "cụ 70"? Để cháu trang điểm cho bà... Mặt bà sẽ sáng như mẹ cháu...
Thằng Thủy, cháu nội, phụ họa:
- Đúng thế, Châu trang điểm giỏi lắm bà ạ... Để cháu tìm bộ quần áo mới nhất bà mặc xem nào...
Thế là bọn trẻ chia nhau thực hiện ngay. Bà ngồi vào cái ghế dựa. Châu lôi ra cả một túi mỹ phẩm và dụng cụ chuyên dùng làm đẹp. Còn Thủy thì bê cả hòm quần áo của bà ra giữa nhà. Nó lục từng cặp quần áo, khăn, mũ, tất cả để đống trên giường. Chợt nó tò mò nhấc lên bọc ni lông nhỏ ở đáy hòm. Anh chàng tưởng bà để quên nhẫn hay hoa tai, liền vừa mở ra vừa hỏi: "Cái gì đây bà?". Bà định dang tay ra ngăn lại thì Châu đã giữ yên đôi vai bà: "Ấy chết, cháu đang xóa mấy nếp nhăn cho bà. Bà ngồi yên đã!". Từ bọc ni lông, Thủy lôi ra tấm khăn vuông trắng nhỏ xíu, thêu viền chỉ đỏ xung quanh, còn ở góc là hai chữ T-H lồng vào nhau. Mẩu vải gập tám ấy hết sức lạ đối với hai trẻ. Cũng là lúc cái Châu tinh mắt liếc thấy. Nó bỗng bỏ bút, bỏ phấn son mà đi lại bên Thủy. Nó cầm lên, hai tay dang ra ngắm một lát. Mặt nó thừ ra, vẻ nghĩ ngợi. Nó nhẹ nhàng thưa với bà:
- Bà ơi! Cái khăn này có phải là tự tay bà thêu không ạ?
- Chả bà thêu thì ai. Mà cháu hỏi làm gì?
- Bà ơi, ông nội cháu cũng có một cái khăn thêu y hệt thế này... Ông cháu bị Tây nó bắn, phải cắt cụt đùi bên phải. Trước ngày qua đời, ông giao lại cho mẹ cháu giữ... Hiện nay bố mẹ cháu treo tấm khăn bên cạnh tấm ảnh của ông nội, đặt trên ban thờ...
Chỉ mới nghe cô cháu hồn nhiên kể đến đấy, bà Hồng đã lảo đảo, xây xẩm mặt mày. Châu quay lại ôm lấy bà:
- Bà ơi, bà có sao không ạ? Để cháu đỡ bà vào giường nghỉ một lát...
Nó lại kể tiếp:
- Ông nội cháu tên là Thái. Chữ T chắc là tên ông cháu...
Bà vẫy tay ra hiệu cho Thủy và Châu đừng nói gì nữa:
- Bà muốn nghỉ ngơi một lát...
Từ trong sâu thẳm, những tiếng súng năm xưa vụt nổ giòn ngay bên tai bà, bọn trẻ ngày nay làm sao hiểu nổi.
Truyện ngắn của NGUYỄN HỮU PHÁCH