Từ các ca khúc nhạc sĩ sáng tác, tự bỏ tiền ra sản xuất cho đến Quốc ca, nhạc dân gian, các vở tuồng, cải lương…, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đang bị khai thác trái phép.
Trong tuần qua, nhiều phóng sự của VTV đã được thực hiện, tập trung vào tình trạng các nhạc sĩ đang gặp vấn đề về bản quyền khi đăng tải chính những đứa con mình sáng tác lên Youtube. Thế nhưng, không chỉ có những sản phẩm âm nhạc của các tác giả bị sở hữu trái phép mà còn rất nhiều sản phẩm nghệ thuật dân gian hoặc của nhà nước cũng đang bị âm thầm khai thác trên nền tảng số. Điển hình như các ca khúc "Tiến quân ca" - Quốc ca đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc nhưng lại bị BH Media xác nhận sở hữu bản quyền. Hay tác phẩm quan họ Bắc Ninh Giã bạn, khi đăng tải lên Youtube bị BH Media khiếu nại bản quyền, thậm chí Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát sóng trên VTV1 cũng bị BH Media nhận quyền sở hữu trên Youtube...
Diễn viên Gia Bảo cũng từng bức xúc khi các vở cải lương như "Tiếng trống Mê Linh", "Nửa đời hương phấn" do dòng tộc của anh đặt hàng sáng tác và hiện cho phát miễn phí trên Youtube nhưng sau nhiều năm đột nhiên bị BH Media báo cáo vi phạm bản quyền. Mặc dù sau đó BH Media đã gỡ báo cáo vi phạm nhưng điều này vẫn cho thấy nếu không có ai phát hiện ra và lên tiếng thì đơn vị này vẫn sẽ cứ âm thầm khai thác các tác phẩm mà mình không được quyền sở hữu
Quay lại với câu chuyện của BH Media, thời gian qua, đơn vị này đã bị nhiều Youtuber tố là nhận vơ các tác phẩm, tự ý đăng ký quyền sở hữu trên Youtube rồi từ đó báo cáo vi phạm các bên khác, thậm chí với chính người đã sáng tác ra tác phẩm ấy. BH Media am hiểu về công nghệ nên đã đi trước 1 bước, đăng ký sở hữu nhiều tác phẩm qua hệ thống Content ID - một hệ thống tự động có thể mở rộng của YouTube. Hệ thống này cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên YouTube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ.
Tuy nhiên, nếu những video không thuộc quyền sở hữu của BH Media nhưng đơn vị này lại là người đầu tiên gắn Content ID vào sản phẩm thì đã vô hình trục lợi trái phép các tác phẩm nghệ thuật. Và với những người thường xuyên làm nội dung trên Youtube thì Content ID không còn xa lạ gì. Đây là công cụ để chủ sở hữu bảo vệ bản quyền sản phẩm của mình và thu tiền quảng cáo từ Youtube.
Chia sẻ về vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường nói: "Khi có bất kỳ bản ghi nào đó ra đời thì người chủ sở hữu sẽ đăng ký với công ty chủ của Facebook và Youtube rằng tôi đang sở hữu 1 bài hát này và tôi muốn đăng ký content ID là 1 dãy số để tôi có thể dựa vào dãy số này dùng những thuật toán, tool để truy quét những sai phạm về vấn đề bản quyền".
"Tuy nhiên, chính sách này cũng nêu rõ: Bạn chỉ được tạo tài sản cho những mục mà bạn sở hữu quyền, chẳng hạn như hãng nhạc không được tạo tài sản Phần sở hữu trong bản sáng tác khi không có hợp đồng thích hợp và nhà xuất bản âm nhạc không được tạo tài sản Bản ghi âm thanh".
Anh Nguyễn Hồ Hải Long - phụ trách bản quyền, VieEnt Music Distributor: "Để sử dụng công cụ Content ID này thì mạng đa kênh phải cam kết rằng tất cả sản phẩm mà mình đăng ký trên Content ID bắt buộc là sản phẩm độc quyền. Lúc này, người dùng chỉ cần upload 1 đoạn video sử dụng từ 5 - 15s trùng lặp với tác phẩm đã đăng ký thì hệ thống Content ID sẽ tự động gửi thông báo đến người dùng rằng họ đang sử dụng 1 sản phẩm có bản quyền trên Youtube".
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, những đơn vị như BH Media có quan hệ trực tiếp với các nền tảng xuyên biên giới Youtube hay Facebook sẽ có rất nhiều lợi thế. Tuy nhiên, nếu sản phẩm mà họ đăng kí Content ID thực chất không thuộc quyền sở hữu của họ thì lại là hành vi vi phạm pháp luật.
"Khi họ sử dụng lợi thế đó thì họ vượt quá giới hạn bảo vệ bản quyền, chuyển qua 1 giới hạn khác là lạm dụng các thủ tục bảo vệ quyền gây thiệt hại cho người khác. Đôi khi anh còn không có quyền đó mà bảo vệ, anh đang khai thác nó chứ không phải bảo vệ nó. Dẫn đến việc những đơn vị kia có thể bị ảnh hưởng, bị gỡ content, thậm chí trong 1 số trường hợp còn bị thất thu khoản thu mà đáng ra mình được hưởng", luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết.
Cho đến thời điểm này, không rõ BH Media đã đăng ký quyền sở hữu bao nhiêu tác phẩm và khai thác chúng từ bao giờ. Chỉ biết có rất nhiều tác phẩm mà đơn vị này không hề có quyền sở hữu nhưng lại đang âm thầm thu về dòng tiền bất chính.
Theo VTV