Chiếc bình thời Càn Long từng được Phổ Nghi mang thế chấp

03/07/2023 15:30

Hãng đấu giá công khai nguồn gốc chiếc bình của vua Càn Long, từng được vua Phổ Nghi thế chấp ngân hàng.

Theo The Value, tác phẩm nghệ thuật gốm sứ sẽ được hãng Beijing Poly đấu giá vào ngày 6.7 ở phiên riêng, chủ đề Vật phẩm bí ẩn trong cung cấm. Bình cao 33 cm, đáy in dòng chữ "Chế tác thời Càn Long Đại Thanh" (1735-1796).


Bình gốm men xanh lam thời Càn Long

Tác phẩm từng thuộc bộ sưu tập cổ vật của cung đình, phục vụ nhu cầu thưởng lãm của hoàng đế. Tới thời Phổ Nghi (1906-1967), triều đình suy thoái, hoàng đế bị buộc thoái vị. Sau khi rời Tử Cấm Thành, để duy trì cuộc sống, năm 1922, Phổ Nghi mang một loạt cổ vật quý báu của hoàng gia thế chấp cho Ngân hàng Diêm nghiệp Bắc Kinh, trong đó có chiếc bình này.

Sau đó, bình thuộc sở hữu của chính trị gia Thượng Hải Mục Tương Dao (1874-1937). Mục Tương Dao từng thi đỗ làm quan ở thời Quang Tự rồi trở thành giám đốc sở cảnh sát của Thượng Hải quân đô đốc phủ. Ông còn cùng em trai kinh doanh nhà máy sợi, trở thành doanh nhân làm từ thiện có tiếng, thúc đẩy phát triển giáo dục, công trình thủy.

Giai đoạn Cách mạng Văn hóa, chiếc bình từng được giao cho Hội quản lý văn hóa Thượng Hải, nhưng sau này được trao trả cho con cháu của Mục Tương Dao.

Cổ vật hiếm có, hiện chỉ còn một vài chiếc tương tự được lưu giữ. Tác phẩm được tráng men xanh lam, hoa văn vàng kim. Từ đầu tới đáy bình mô phỏng các hoa tiết hoa sen, hoa chanh dây. Phong cách mỹ thuật mang hơi thở nghệ thuật Baroque châu Âu.


Chiếc bình khó bảo quản song màu men vẫn tươi bóng sau hàng trăm năm

Nhiều học giả và các chuyên gia đồ cổ cho rằng xanh lam không phải màu chủ đạo của vật phẩm cung đình. Tác phẩm được đấu giá lần này chịu ảnh hưởng mỹ thuật nước ngoài. Màu xanh lam tượng trưng cho bầu trời xanh sau mưa tuyết.

Từ sau thời Nguyên, bình màu lam ngày càng được hoàng đế yêu thích, bên cạnh trắng và đỏ. Thời Minh, màu vật phẩm cúng tế trong cung đình được đổi từ đỏ sang lam. Màu sắc này có vị trí quan trọng trong chế tác vật dụng phục vụ nghi lễ của hoàng gia, vì thế nó còn có tên gọi là "tế lam". Thời Thanh, khi Càn Long làm lễ cúng tế ở Thiên Đàn, bộ lễ phục nhà vua mặc cũng mang màu lam trang trí hình rồng vàng.

Đồ gốm phục vụ Càn Long sử dụng, thưởng lãm nổi tiếng xa hoa. Bấy giờ, nhà vua ra lệnh Đường Anh - quan phụ trách sản xuất gốm sứ - tìm ra cách nung để sản phẩm trau chuốt, tinh xảo hơn. Ban đầu, mục đích của Đường Anh là làm hài lòng đế vương nhưng đồng thời, quá trình đó mang lại thành tựu cho mỹ thuật Trung Quốc.

Thời vãn Thanh, tài lực của cung đình sa sút. Năm 1908, khi ba tuổi, Phổ Nghi được đặt vào ngôi hoàng đế. Năm 1912, Dân Quốc thành lập, Phổ Nghi bị buộc thoái vị nhưng theo Điều kiện ưu tiên mà hoàng thất nhà Thanh ký với chính phủ Dân Quốc, Phổ Nghi không phải bỏ đế hiệu và tiếp tục sống trong Tử Cấm Thành, sinh hoạt theo nếp cũ.


Hoàng đế nhà Thanh, Phổ Nghi

Sau khi bị đuổi khỏi cung, Phổ Nghi được Nhật Bản dựng lên làm người đứng đầu của nhà nước bù nhìn Mãn Châu quốc. Khi Nhật đầu hàng năm 1945, Phổ Nghi bị Hồng quân Liên Xô bắt giữ trên đường chạy trốn sang Nhật. Ông bị giam cầm 5 năm trong trại tù binh ở Siberia. Năm 1950, Phổ Nghi được Liên Xô trao cho Trung Quốc và được đặc xá vào tháng 12.1959. Ông qua đời tại Bắc Kinh năm 1967.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiếc bình thời Càn Long từng được Phổ Nghi mang thế chấp